Tình người ở lại
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước ở các sông chảy qua địa phận Tuyên Quang dâng cao dẫn đến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đều ngập chìm trong biển nước. Thành phố Tuyên Quang bị thiệt hại nặng nhất với nhiều khu vực bị ngập. Tại các khu vực bị ngập, tất cả các hộ dân đều bị cô lập từ ngày 10-9 đến rạng sáng ngày 12-9 nước mới rút dần. Tiếp đến là thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) bị cô lập do nước ngập và ảnh hưởng khá nặng nề. Các huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn, huyện Na Hang, Sơn Dương cũng đều hứng chịu những thiệt hại tương tự. Trong thời điểm mưa bão, hầu hết các khu vực ngập lụt bị cô lập và mất liên lạc hoàn toàn bởi không có điện lưới, không có sóng điện thoại, nhất là các xã, thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Trong mưa bão, điều dễ nhận thấy đó là tấm lòng “tương thân tương ái”, sự sẻ chia, trợ giúp, động viên giữa những người dân với nhau. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh với phương châm “4 tại chỗ”, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các địa phương đều chủ động, kịp thời nắm chắc số người bị cô lập do lũ lụt, có phương án cứu trợ với mục tiêu cao nhất là tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào bị đói, không có nơi ở.
Đồng chí I Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao 1 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả bão lũ.
Các lực lượng Công an, Quân đội, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh, huyện, xã đã nhanh chóng hành động, có phương án để cứu trợ kịp thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Mỗi ngày, có hàng nghìn suất cơm, chai nước miễn phí được chuyển đến từng điểm, từng gia đình bị cô lập do lũ. Những suất cơm ấm áp tình người đã kịp thời sưởi ấm những trái tim giá lạnh đang bị cô lập bởi lụt.
Bà Trần Thị Xuân, tổ dân phố Vĩnh Thái, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) là người dân có nhà bị ngập úng, cô lập, chia sẻ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp và các tổ chức Hội. Những phần quà thiết thực như nước sạch và thực phẩm đã giúp gia đình tôi và các hộ dân khác vơi bớt khó khăn trong điều kiện sinh hoạt bị ngập úng”.
Sự chung sức, sẻ chia của các cấp chính quyền, người dân với người dân chính là điểm tựa, động viên rất lớn để các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa bão, giúp họ vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Sức mạnh đoàn kết
Ngay khi lũ rút, các phố phường như bãi chiến trường, ngổn ngang rác thải, bùn đất. Sức mạnh của sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của từng gia đình, từng khu phố, làng mạc và trong cả cộng đồng được nhân lên gấp bội trong mưa lũ, trong khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, Công an, người dân cùng chung tay vào cuộc dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường đường phố. Các gia đình của khu phố sau khi đã dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, không ai bảo ai đã cùng thu gom rác, đồ vật, dọn bùn đất trên vỉa hè đường phố.
Báo Tuyên Quang phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3.
Cùng với nỗ lực vượt khó của người dân Tuyên Quang, những ngày này người dân vùng lũ tại tỉnh Tuyên Quang đã được Nhân dân cả nước hướng về, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ để vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau lũ. Mỗi ngày, Tuyên Quang đón hàng chục đoàn xe chở hàng cứu trợ mang theo tình cảm yêu thương, đùm bọc, nghĩa tình của đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc, ủng hộ giúp đỡ người dân vùng lũ. Các chuyến hàng cứu trợ này đều là những nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng mưa lũ. Đó là thực phẩm, là đồ ăn liền, nước uống, thuốc men, vật tư y tế, áo phao, xuồng cứu hộ…
Rất nhiều người dân trong tỉnh, mặc dù cũng vừa trải qua những giây phút kinh hoàng do siêu bão Yagi để lại, cũng như người dân trên cả nước đã sẵn sàng gác lại tất cả công việc để tham gia, kêu gọi mọi người cùng tham gia đến vùng ngập lụt chung tay cứu trợ những người đang gặp nạn. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Tuyên Quang, như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh chủ trì, làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm, kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện để điều phối kịp thời cho các địa phương bị ngập lụt. Tính đến 29-11, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận trên 225 tỷ đồng; Ban vận động cứu trợ huyện tiếp nhận số tiền trên 10 tỷ đồng. Cùng với đó, MTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tiếp nhận trên 500 tấn lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 29-11, từ nguồn kinh phí tiếp nhận Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã phân bổ trên 97 tỷ đồng để hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Lực lượng Công an hỗ trợ người dân thành phố Tuyên Quang tổng vệ sinh đường phố sau lũ.
Tỉnh cũng đã thống nhất phương án xây dựng 7 khu tái định cư tại các xã Sơn Phú (Na Hang), Thượng Lâm (Lâm Bình), Yên Lập, Linh Phú (Chiêm Hóa) và Chiêu Yên (Yên Sơn) cho người dân mất nhà ở hoặc đang sinh sống khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ.
Mỗi hành động dù nhỏ nhưng đều góp phần tạo nên bức tranh đầy ấm áp và nhân văn trong những ngày Tuyên Quang khắc phục hậu quả thiên tai. Và giữa muôn vàn khó khăn chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh của tình người, sức mạnh của sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia.
Gửi phản hồi
In bài viết