Vì sức khỏe người dân

- Những thách thức, khó khăn phải đối diện trong năm 2024 đã trở thành “phép thử” cho sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó, cùng sự đồng sức, đồng lòng của toàn ngành Y tế, nhằm giúp hệ thống y tế tiếp tục phát triển, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.

Cải tiến chất lượng dịch vụ

Thực hiện sứ mệnh cứu người, năm 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khám, chữa bệnh cho trên 1 triệu lượt người bệnh. Trong đó: Bệnh viện tuyến tỉnh 306.841 lượt, Trung tâm Y tế tuyến huyện 484.210 lượt, Bệnh viện Đa khoa khu vực 54.688 lượt, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn 429.888 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 116,5%, Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt 108,5% và Bệnh viện Đa khoa khu vực đạt 86%.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ chuyên môn y tế với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Các tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, từ chỗ chỉ là tuyến dưới, trở thành trung tâm và là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh; góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Minh chứng rõ nét nhất là ở y tế tuyến xã, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xử trí được nhiều ca bệnh khá phức tạp, như: Khâu các vết thương phần mềm do tai nạn, xử trí ca bệnh xuất huyết dạ dày… Hay tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, các đơn vị đã quan tâm đào tạo cán bộ và triển khai được một số kỹ thuật mới, cơ bản và chuyên sâu. Cụ thể, Bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật như: Phẫu thuật thay khớp háng, thay khớp gối, phẫu thuật nội soi điều trị đứt dây chằng khớp gối, phẫu thuật cắt khối tá tụy, phẫu thuật tán sỏi thận qua da, ngược dòng, các phẫu thuật điều trị sọ não và cột sống; đặt stent động mạch vành, động mạch tạng. Bệnh viện tuyến huyện thực hiện được các kỹ thuật như: Tán sỏi qua da, dẫn lưu thận qua da dưới hướng dẫn của siêu âm, phẫu thuật rò bàng quang - âm đạo, bàng quang - tử cung, trực tràng, nội soi xẻ cổ bàng quang điều trị xơ cứng cổ bàng quang…

Bà Phí Thị Lâm, tổ 8, phường Phan Thiết cho hay: “Những năm qua, mỗi lần có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, khám bệnh, tôi không phải mất thời gian về Hà Nội nữa. Hiện nay, chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện trong tỉnh rất tốt. Tôi thường khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và rất hài lòng”.

Cụm thi đua số 4, Đoàn Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức khám bệnh và cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng khó khăn huyện Hàm Yên.

Củng cố hệ thống y tế cơ sở

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 20 đơn vị trực thuộc Sở Y tế và 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cùng với việc tinh gọn bộ máy, ngành Y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ. Ngành tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ y tế giỏi, có chính sách hỗ trợ cán bộ đi học và ưu đãi tuyển dụng các chuyên gia y tế. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 570 bác sỹ, trong đó có 2 tiến sỹ, 167 bác sỹ chuyên khoa cấp I, 32 bác sỹ chuyên khoa cấp II, 37 thạc sỹ, 332 bác sỹ đa khoa. Có 110 dược sỹ, trong đó có 16 dược sỹ chuyên khoa cấp I, 3 dược sỹ chuyên khoa cấp II, 3 dược sỹ trình độ thạc sỹ, 51 dược sỹ trình độ đại học… Nhân viên ngành Y tế không ngừng nâng cao “y thuật”, học sâu “y lý”, rèn luyện “y đức” để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Y tế tuyến huyện, tỉnh, thời gian qua tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và quy mô giường bệnh. Cụ thể là các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị như: Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh, chuẩn bị đưa vào sử dụng Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm với quy mô 200 giường bệnh... Cùng với việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng được đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế. Đặc biệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế các huyện cũng được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại đảm bảo cho việc triển khai kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng gần 1.500 danh mục trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. Công suất sử dụng giường bệnh các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện trung bình hằng năm đạt trên 100%; tổng số lượt khám bệnh hàng năm trên 1,5 triệu lượt người. 

Trạm Y tế xã Hùng Lợi (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong năm 2024, ngành Y tế đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) và năng lực dự đoán trong y tế dự phòng. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, không để bùng phát thành dịch lớn. Ngành thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn... Các cơ sở KCB từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai, đem lại lợi ích cho người bệnh. Đặc biệt, trong năm 2024, việc tham gia KCB từ xa đã kịp thời hội chẩn các trường hợp bệnh khó, nguy kịch, giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ KCB chất lượng cao ngay tại địa phương… Trong năm, các cơ sở y tế cũng liên kết với nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương… Thông qua đó nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo điều kiện để đội ngũ y, bác sỹ tiếp nhận các kỹ thuật mới.

Có thể khẳng định, với những bước đi trên, ngành Y tế tỉnh năm mới 2025 sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục