Nhiều giải pháp giảm thiểu rủi ro
Toàn tỉnh hiện có 2.126 doanh nghiệp với trên 44.963 lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ. Điển hình như: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty TNHH Sản xuất giày Chung JYE Tuyên Quang (Hàm Yên), Công ty TNHH MTV Seshin VN 2, Công ty Cổ phần Prime Hào Phú, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang...
Những năm qua, việc bảo đảm an toàn lao động được Công ty cổ phần Giấy An Hòa triển khai tích cực. Trước khi vào làm việc trong dây chuyền sản xuất, tất cả lao động tại công ty được quán triệt nội quy, quy chế ATVSLĐ. Các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đều được kiểm định định kỳ và đảm bảo an toàn mới đưa vào sử dụng. Tại các khu vực có tiếng ồn lớn, nhiệt độ cao như xeo bột, xeo giấy, công ty lắp đặt hệ thống giảm âm, giảm nhiệt. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, công ty hiện có 826 lao động. Để đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động, Công ty đã thành lập bộ phận phụ trách về ATLĐ và 5 nhân viên phụ trách y tế. Công tác huấn luyện nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động, mua sắm trang bị bảo hộ lao động được công ty tiến hành hàng năm với chi phí hơn 3 tỷ đồng. Từ kết quả kiểm tra, đo lường, công ty có sự phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Do đó, nhiều năm qua công ty được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ.
Công nhân tổ ghép thanh, Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang tuân thủ nghiêm quy định về ATVSLĐ trong quá trình làm việc.
Với phương châm an toàn là trên hết, Công ty TNHH MTV Seshin VN2, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, nhân viên về vấn đề an toàn và hạn chế tối đa tai nạn lao động. Hàng năm, công ty trang bị bảo hộ cho người lao động; các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Chị Nguyễn Thị Hồng, trưởng phòng nhân sự Công ty nói, việc đảm bảo ATVSLĐ có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của công ty. Công ty gắn những tấm biển như: “An toàn là trên hết”, “Sản xuất phải an toàn”... tại những vị trí dễ quan sát. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là lời nhắc nhở để người lao động luôn tự ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp trong quá trình sản xuất. Việc chấp hành quy định về ATVSLĐ được đơn vị đưa vào chấm điểm xếp loại tập thể, cá nhân hàng tháng, hàng năm nên đã tạo được tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, năng suất lao động cao, giảm thiểu tình trạng mất an toàn lao động tại đơn vị. Nhờ đó, năm 2022, công ty xảy ra 3 vụ tai nạn lao động nhẹ (giảm 2 vụ so với năm 2021).
Mỗi buổi sáng bắt đầu cho một ngày làm việc, anh Phan Ngọc Thiết, tổ trưởng tổ sơ chế, Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang, thôn 11, xã Trung Môn (Yên Sơn) luôn ý thức trang bị đầy đủ bảo hộ lao động từ quần áo, giày, mũ, khẩu trang, găng tay do công ty cấp. Anh cho biết, làm việc trong môi trường đặc thù nên việc chấp hành quy định đảm bảo ATVSLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình làm việc, anh luôn nhắc nhở công nhân tại tổ đảm bảo môi trường làm việc sạch sẽ, sắp xếp dụng cụ làm việc ngăn nắp; không hút thuốc lá tại nơi làm việc tránh sự cố không mong muốn xảy ra.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Song song với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Các đợt thanh, kiểm tra liên ngành đã tập trung vào các nội dung như: ký kết hợp đồng lao động; các biện pháp kỹ thuật về phòng chống độc hại, công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động; kiểm tra đăng ký, kiểm định máy móc, thiết bị; chế độ bảo hiểm cho người lao động. Trong năm 2022, Sở đã tuyên truyền tại 212 doanh nghiệp, đơn vị với hơn 400 người lao động và người sử dụng lao động tham gia; phối hợp cùng cơ quan, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho gần 12.658 người lao động, tổng chi phí cho huấn luyện hơn 1,6 tỷ đồng...
Công nhân Công ty cổ phần Giấy An Hòa được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trước khi làm việc.
Bà Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, với sự nỗ lực của cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, công tác ATVSLĐ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ, các vi phạm của doanh nghiệp được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời. Mặc dù vậy, công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế: công tác huấn luyện ATVSLĐ hiện nay ở các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ không chuyên sâu. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện quản lý, khai báo, kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất; việc áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm...
Do đó, để công tác ATVSLĐ đạt hiệu quả cao, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo hộ lao động, an toàn lao động; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, trong đó trọng tâm là các ngành, nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Gửi phản hồi
In bài viết