Trong buổi làm việc mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với tỉnh ta, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vui mừng nhận thấy, Tuyên Quang đã xác định hướng đi đúng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có rừng gỗ lớn vừa tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho công nghiệp chế biến vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng chí khẳng định, đây là bước đi khoa học, cụ thể để từng bước nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, phát triển lâm nghiệp bền vững và cũng là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. |
Mở rộng diện tích rừng gỗ lớn
Gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình (Yên Sơn) có 12 ha đất trồng rừng, trong đó có 6 ha trồng cây keo lai, 6 ha cây keo tai tượng. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, ông Bình đã mạnh dạn đăng ký với diện tích 4 ha rừng chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10 - 12 năm để tăng sản lượng và giá trị khi thu hoạch. Ông Bình cho biết, trong năm 2021 gia đình ông khai thác 4,2 ha ở năm thứ 7, diện tích này vẫn còn là rừng gỗ nhỏ bán làm dăm gỗ, gỗ bóc hoặc làm nguyên liệu cho nhà máy giấy, giá trị đạt 107 triệu đồng/ha, song để cây thêm 4 - 5 năm nữa với giá thị trường hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Lợi nhuận nữa là rừng lớn không tốn chi phí đầu tư giống, chăm sóc, chỉ cần trông nom, bảo vệ.
Cùng xã Thái Bình, gia đình ông Trần Xuân Phát, thôn 9, cũng đã chuyển hóa 4 ha rừng keo hạt để nuôi thành rừng gỗ lớn. Ông Phát so sánh, gia đình vừa khai thác 3 ha rừng 6 năm tuổi giá trị kinh tế chỉ đạt 100 triệu đồng/ha, trong khi để thêm 4 năm nữa, giá trị tăng gấp đôi nên ông quyết định tỉa thưa, nuôi cây chờ khi cây đạt sinh khối lớn sẽ khai thác. Theo ông Phát, trong quá trình nuôi rừng gỗ lớn, ông phát triển nghề nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gia cầm nên vẫn có thu nhập ổn định.
Sản phẩm đồ gỗ nội thất cao cấp xuất khẩu của Woodsland được sản xuất từ sản phẩm rừng gỗ lớn của tỉnh.
Không chỉ người dân, các chủ rừng lớn như, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, Tuyên Bình, Yên Sơn, Chiêm Hóa diện tích rừng gỗ lớn cũng đang được mở rộng theo từng năm. Ông Ma Phúc Trượng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, hiện tại công ty đã có 129 ha rừng gỗ lớn, từ nay đến hết năm công ty thực hiện chuyển hóa 317 ha với các dòng cây keo hạt nội, ngoại và 1 số dòng bản địa như mỡ, bồ đề...
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích rừng gỗ lớn đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 40.000 ha rừng gỗ lớn, năm 2022, con số này hiện đã tăng lên 69.000 ha, trong giai đoạn tới, diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng.
Ông Lý Xuân Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khẳng định, diện tích rừng trồng hoặc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại đa lợi ích, tiết kiệm chi phí giống, chăm sóc; tăng hiệu quả kinh tế, hiện tại giá trị rừng gỗ lớn gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Ông Bình dẫn chứng, nhìn vào sản lượng gỗ khai thác năm 2022 vừa qua cho thấy rõ nhất giá trị kinh tế của diện tích rừng gỗ lớn mang lại mặc dù diện tích này chưa được nhiều. Thống kê của ngành trong năm 2022, tỉnh đã cán mốc khai thác trên 1 triệu m3, cao nhất từ trước đến nay, chiếm trên 23% tổng sản lượng khai thác của vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ song diện tích khai thác chỉ bằng những năm trước đây.
Nâng tầm giá trị gỗ Tuyên Quang
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc duy trì, mở rộng diện tích rừng sản xuất, chất lượng gỗ rừng trồng nâng cao đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến lớn đi vào hoạt động, tổng công suất chế biến đạt 137.500 tấn giấy và bột giấy/năm; 3.000 tấn gỗ nén 225.000 m3 gỗ và sản phẩm gỗ... Kim ngạch xuất khẩu lâm sản của tỉnh giai đoạn 2017 - 2022, đạt 119,05 triệu USD; GRDP ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình (Yên Sơn) chăm sóc rừng gỗ lớn của gia đình.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, công ty đang có 4 nhà máy hoạt động, trong đó có 3 nhà máy tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn). Khối lượng gỗ nhập vào trên 21.000 m3/năm. Chất lượng gỗ rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn trồng theo tiêu chuẩn FSC của tỉnh đang được đánh giá đứng trong Top đầu của khu vực và đây là lý do mà 90% nguồn nguyên liệu đầu vào lấy từ các cánh rừng Tuyên Quang để chế biến các sản phẩm đồ gỗ cao cấp cung cấp chính thức cho Tập đoàn đồ gỗ nội thất hàng đầu thế giới IKEA. Thông qua IKEA sản phẩm đồ gỗ do Woodsland sản xuất đã có mặt hầu khắp thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu, Nga, Nhật Bản. Cũng theo bà Tuyết, Woodsland đang phối hợp với Công ty New Forests của Australia - doanh nghiệp hàng đầu về lâm nghiệp quốc tế đề xuất tham gia thực hiện dự án mở rộng Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ - Trường Đại học Tân Trào sản xuất cây giống chất lượng cao và phát triển diện tích 10.000 ha rừng trồng sử dụng cây giống chất lượng cao và thực hành quản lý rừng tốt địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Dự án này được thực hiện chắc chẵn sẽ nâng tầm sản phẩm gỗ rừng Tuyên Quang, đặc biệt là sản phẩm rừng gỗ lớn.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa, ông Nguyễn Văn Anh cũng khẳng định rằng, nguồn nguyên liệu chất lượng, kết hợp với công nghệ hiện đại, sản phẩm bột giấy, giấy của công ty đã khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và xuất khẩu vào thị trường các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Iran, Cuba... Công ty đang hướng tới mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm giấy in, giấy viết, giấy photocopy chất lượng cao, từng bước thay thế hàng nhập khẩu, phấn đấu sẽ trở thành thương hiệu giấy số 1 tại thị trường Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết