Người dân đi mua sắm tại trung tâm thành phố Cardiff (Anh).
Châu Âu
Chương trình tiêm chủng của Anh đang tiến triển đáng kinh ngạc. Tới nay, nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 cho 89% người trưởng thành, trong khi 73% đã được tiêm đầy đủ.
Đảo quốc sương mù thông báo, vùng England sẽ nới lỏng quy định nhập cảnh nhưng yêu cầu người đến từ Pháp phải cách ly kể cả khi được tiêm chủng đầy đủ. Vùng Wales cũng sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách kể từ cuối tuần này, trong đó bao gồm việc áp dụng những quy định về nhập cảnh tương tự như England.
Tại Italia, từ tháng 9, giáo viên phải có chứng nhận miễn nhiễm với Covid-19. Những người muốn sử dụng phương tiện công cộng cũng phải có “giấy thông hành xanh” này.
Tại Đức, các nhà khoa học đã bác bỏ tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh ở cả nam giới và nữ giới. Theo các nhà nghiên cứu Udo Markert và Ekkehard Schleussner tại Bệnh viện Đại học ở thành phố Jena (Đức), mọi phụ nữ nên tiêm vắc xin để bảo vệ mình trước Covid-19.
Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ cũng chứng minh tinh trùng của nam giới không bị ảnh hưởng sau khi tiêm vắc xin. Giáo sư Ranjith Ramasamy tại Đại học Miami (Mỹ), người tham gia cuộc nghiên cứu kết luận: “Trái ngược với tin đồn trên mạng xã hội, vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới".
Tại Tây Ban Nha, cổ động viên có thể tham gia các sự kiện thể thao kể từ tháng 8. Các sự kiện tổ chức ngoài trời như sân vận động sẽ được phép tiếp nhận khách ở 40% công suất, trong khi các sự kiện tổ chức trong nhà chỉ được đón 30% lượng khách. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 13-8, khi mùa giải bóng đá bắt đầu.
Tại Hy Lạp, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng tại hai hòn đảo du lịch nổi tiếng là đảo Zakynthos và thành phố Chania (đảo Crete), dự kiến kéo dài tới hết ngày 13-8.
Châu Á - châu Đại dương
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong cộng đồng có xu hướng giảm. Đại diện của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 mà người dân tại nước này đã được tiêm đang phát huy hiệu quả bảo vệ và ngăn chặn tốt trước biến thể Delta.
Ấn Độ ghi nhận thêm 45.001 ca nhiễm mới, cao hơn so với ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 31.855.783 ca.
Nhật Bản sẽ đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8-8. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi số ca mắc mới ở nước này tăng cao chưa từng thấy. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết, biến thể Delta tới nay đã có mặt ở 37/47 tỉnh, thành nước này, trong đó, 2 tỉnh Chiba và Kanagawa có số người nhiễm biến thể Delta cao nhất.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca mắc ở mức cao mới (20.920 ca), nâng tổng số lên 693.305 ca. Trong khi đó, Malaysia cũng ghi nhận một con số kỷ lục là 20.596 ca nhiễm mới trong ngày, lần đầu tiên vượt mức 20.000 ca/ngày.
Tại Indonesia, tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn. Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết, số bệnh nhân nhập viện tại một số khu vực bên ngoài các đảo Bali và Java có xu hướng ngày càng tăng, lên tới 100.000 lượt bệnh nhân nhập viện mỗi tuần.
Tại Philippines, người dân đổ xô tới các trung tâm tiêm chủng trước khi chính quyền nước này công bố biện pháp siết chặt phòng dịch. Dự kiến, các biện pháp hạn chế đi lại sẽ được tái áp đặt tại khu vực đô thị Manila, Trong khi đó, một số tỉnh lân cận có hệ thống y tế đang trong tình trạng quá tải cũng phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Tại Israel, số ca bệnh có các biến chứng nghiêm trọng đã tăng lên 241 ca - cao nhất kể từ giữa tháng 4-2021, khiến chính phủ nước này cảnh báo có thể phải giãn cách xã hội.
Tại Australia, số ca mới theo ngày của bang New South Wales tiếp tục tăng ở mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch, với 262 ca mới, trong đó 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát do biến thể Delta gây ra, bang New South Wales đã phong tỏa thủ phủ Sydney và một số vùng lân cận cho đến ngày 28-8. Về phần mình, bang Victoria cũng phong tỏa trong 6 tuần (từ tối 5-8) để phòng dịch lây lan từ bang New South Wales.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở ngưỡng cao nhất trong 6 tháng qua (hơn 100.000 ca), trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành những khu vực có nhiều người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Số ca mắc trung bình trong 7 ngày trên toàn nước Mỹ là hơn 94.819, gấp 5 lần chỉ trong chưa đầy một tháng.
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi, lên 200.000 ca/ngày trong những tuần tới do biến thể Delta lây lan mạnh trong khi số người chưa tiêm vắc xin vẫn ở mức cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 83% trong tổng số ca mắc mới tại nước này.
Châu Phi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về sự gia tăng số ca tử vong do Covid-19 tại châu Phi. Cụ thể, con số này trong tuần kết thúc ngày 1-8 đã cao đỉnh điểm, hơn 6.400 ca, tăng 2% so với tuần trước đó. WHO đặc biệt quan ngại về tình trạng gia tăng mạnh số ca tử vong tại Nam Phi và Tunisia khi 2 nước này chiếm tới 55% tổng số bệnh nhân không qua khỏi trên toàn châu lục.
Đặc phái viên Covid-19 của Liên minh châu Phi (AU), ông Strive Masiyiwa cho biết, việc phân phối vắc xin tại khu vực này đang trong tình trạng khủng hoảng, bởi châu Phi lẽ ra được tiếp nhận 320 triệu liều vắc xin song con số thực tế không như vậy.
Gửi phản hồi
In bài viết