Mỹ đối phó với biến chủng Delta: Chạy đua với thời gian

Mỹ đã đạt được một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, Mỹ không nên sớm hài lòng với những kết quả trên. Ngược lại, xứ Cờ hoa cần phải chạy đua với thời gian để đối phó với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta cũng như nâng tỷ lệ tiêm chủng hiện vẫn còn thấp ở một số cộng đồng và địa phương.


Mỹ đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 mới.

Số ca tử vong hằng ngày vì Covid-19 ở Mỹ đã tăng 33% và số người nhập viện tăng trung bình 46% trong 7 ngày qua so với tuần trước đó. Các điểm nóng tại Mỹ với số ca mắc mới tính theo đầu người cao nhất là Louisiana, Florida, Arkansas và Mississippi. Ngoài ra, khoảng 60% số hạt tại Mỹ thuộc diện có nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng ở mức cao. Đây là con số đáng lo ngại khi 5 tuần trước, tỷ lệ này chỉ là 8%. Trên khắp đất nước, trung bình các bệnh viện tiếp nhận hơn 6.200 ca nhập viện vì mắc Covid-19 mỗi ngày, trong đó có hơn 300 ca tử vong. Hầu hết trường hợp này tập trung ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo thống kê, tại các bang miền Nam nước Mỹ, chưa đến 50% dân số được tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Giới chuyên gia y tế dự đoán, sẽ có khoảng 140.000 đến 300.000 ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ trong tháng 8 này khi các hoạt động thường nhật được khôi phục trên diện rộng.

Thực tế, tốc độ phân phối vắc xin phòng Covid-19 cho người dân của Mỹ, sau thời gian dài dẫn đầu, đang chậm lại đáng kể, đứng sau Liên minh châu Âu, Anh, Israel về tỷ lệ dân số được tiêm chủng. Nguyên nhân chính của thực trạng này là tâm lý e ngại của người dân về sự an toàn của các loại vắc xin.

Các quan chức Nhà Trắng từng hy vọng rằng, với việc tiêm vắc xin miễn phí và nguồn cung dư dả, hầu hết người dân Mỹ sẽ tình nguyện đi tiêm và đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên cho tới nay, chỉ có khoảng 49% người dân Mỹ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19.

Thống kê cũng cho thấy, phần lớn số ca trở nặng và cần chăm sóc y tế đặc biệt là do chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nguy hiểm hơn, một số bằng chứng gần đây về lây nhiễm giữa những người đã tiêm đủ vắc xin buộc chính quyền liên bang, quan chức địa phương và các doanh nghiệp Mỹ phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế. Chính phủ liên bang Mỹ đã thắt chặt các quy định về sức khỏe đối với hàng triệu nhân viên. Họ sẽ phải tiêm vắc xin, đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên, ngay cả với những người làm việc tại các khu vực có số trường hợp nhiễm Covid-19 thấp. Nhằm khắc phục tình trạng trì trệ trong chương trình tiêm chủng quốc gia, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm phòng, như chi 121 triệu USD cho hơn 100 tổ chức ở cộng đồng để thúc đẩy việc tiêm chủng.

Cùng với nỗ lực của chính quyền liên bang, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo mới, đảo ngược hướng dẫn của cơ quan này hồi tháng 5. Theo đó, người dân ở những khu vực đang có số ca nhiễm tăng mạnh nên đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, ngay cả khi đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19; đồng thời lưu ý tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên tại các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 phải đeo khẩu trang. New York sẽ là thành phố lớn đầu tiên tại Mỹ yêu cầu người dân phải có chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu muốn đến nhà hàng, phòng tập thể hình và một số cơ sở kinh doanh khác.

Trước sức ép của biến chủng Delta, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược chống dịch, áp dụng các biện pháp quyết liệt, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà với hy vọng sớm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, tránh xảy ra một kịch bản không hề mong muốn.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục