Vận động bố bán đất
Cất công lắm, hẹn gặp nhiều lần, hôm nay anh Vàng mới ở nhà để tiếp cánh nhà báo chúng tôi.
Trong căn nhà đơn sơ, có phần hơi tuềnh toàng, anh Vàng dẫn dắt câu chuyện rất tự nhiên. Anh kể, người Mông tại Khau Phiêng di cư từ xã Ngũ Lão, huyện Hòa An (Cao Bằng) về đây định cư từ những năm 1990, đời sống lạc hậu, nhiều tập quán duy trì từ đời này qua đời khác, mà nặng nề nhất là tính tư hữu, chỉ biết mình, còn việc chung thì mặc kệ. Năm 2014, anh Vàng được bầu làm Trưởng thôn, ngày đó mới 30 tuổi, được đeo cho cái tù và “để vác” cũng nhiều trăn trở. Giữa năm đó, nhà nước có chủ trương cho thôn xây dựng nhà văn hóa, anh mất gần một tháng cùng cán bộ đi tìm mặt bằng để xây dựng, nhưng khó, ai cũng quan niệm, đó là việc của cán bộ không phải việc của nhân dân.
Nhiều ngày suy nghĩ, nếu không có đất để xây dựng thì cơ hội làm nhà văn hóa thôn sẽ đi qua, phải đợi lâu mới đến lượt. Anh quyết định về bàn với bố đẻ là ông Phùng Văn Lý, bán rẻ thửa đất canh tác duy nhất của gia đình với giá vài chục triệu đồng cho thôn. Lúc đầu bản thân bố anh sốc lắm, bởi mảnh đất gần 1.000 mét vuông là nơi canh tác của gia đình, giờ bán đi quá nửa thì lấy gì để duy trì cuộc sống, anh Vàng kiên trì vận động, cuối cùng ông cũng chịu để con trai hoàn thành vì việc chung. Anh cười và bảo, mình có đất cả thôn ai cũng ngỡ ngàng, nhiều người cũng xì xào bàn tán, nhưng sau đó, người dân có cái nhìn khác về việc chung, tính cộng đồng dần hình thành.
Anh Vàng vận động bà con ủng hộ các phong trào của thôn, xã.
Sau khi có mặt bằng, ban ngày anh Vàng ra xã xin cấu kiện, tối đến kiên trì vận động người dân trong thôn đóng góp tiền và ngày công. Ngày đó anh thu làm 2 đợt, mỗi đợt 600 nghìn đồng, nhà nào khó khăn anh xin ý kiến toàn thôn cho miễn một nửa hoặc toàn bộ tiền, nhiều hộ cũng ganh tỵ ghê lắm, nhưng anh đứng ra đóng góp mỗi lần gấp đôi so với chỉ tiêu, thấy Trưởng thôn quyết liệt nên dần dần nhân dân cũng nghe. Nhờ đó, nhà văn hóa thôn Khau Phiêng tưởng sẽ không bao giờ hoàn thành đã hoàn thành dưới sự ngưỡng mộ của nhân dân và chính quyền xã. Lũ trẻ có một nơi để tụ tập chơi đùa và người lớn thì có nơi quây quần sau những giờ làm việc đồng áng vất vả. Người dân Khau Phiêng vui lắm, không ai nói ra nhưng ai cũng cảm phục sự nỗ lực vì việc chung của anh Vàng.
Những cuộc vận động để đời
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh phấn khởi kể, thôn Khau Phiêng tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nếu nói về người dân đồng lòng, ủng hộ các phong trào của thôn, xã thì không nơi nào sánh kịp. Đặc biệt là từ khi có anh Phùng Văn Vàng lên làm Trưởng thôn.
Sẵn với khí thế làm nhà văn hóa, năm 2015, anh Vàng tiếp tục vận động nhân dân làm đường bê tông nông thôn. Chỉ tay vào con đường dài 600m từ ngã ba trục chính của xã vào thôn, anh dõng dạc, con đường này có nhiều hộ xẻ đôi đất để làm. Ngôi nhà 2 ông Vương Văn Dí và Lương Văn Lý nằm vắt vẻo lưng chừng đồi. Ngày xưa ngôi nhà 2 ông nằm ở mảnh đất bằng phẳng sát với đất sản xuất nhưng khi làm đường sẽ chạy thẳng chia cắt nhà và đất sản xuất. Anh Vàng tâm sự, ngày đó 2 ông phản đối rất gay gắt, cho rằng con đường chả giúp ích gì cho cuộc sống của nhân dân, kiên trì vận động, giải thích mãi 2 ông tự giác dời căn nhà đang ở lên cao, hiến mỗi hộ gần 200m2 đất để làm đường. Với người dân Khau Phiêng, đất sản xuất quý vô cùng, để trả ơn, anh vận động nhân dân giúp gia đình dựng lại nhà cửa, miễn đóng góp làm đường, miễn cả 10 ngày công quy định trên mỗi hộ, cả thôn không ai nghĩ anh có thể làm được điều tưởng chừng không thể.
Anh Vàng hướng dẫn người dân chăm sóc đàn dê.
Có đường đẹp, có nhà văn hóa, “sự nghiệp” vận động của anh Vàng cũng từ đó có tiếng nói với nhân dân. Giọng đầy tự hào, đó là năm 2017, anh được đi tham quan mô hình trồng cây vụ 3 ở một số địa phương, cùng năm đó sau khi thu hoạch lúa tại 5 sào ruộng của gia đình, anh bắt tay ngay vào trồng ngô để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Anh bảo, lúc mình làm cả thôn ai cũng cười, khí hậu Khâu Tinh lạnh như thế trồng ngô chắc gì đã sống, ấy thế mà nhờ kỹ thuật ủ cây non, chăm sóc đúng quy trình, 5 sào ngô của anh xanh mướt, nổi lên giữa đám cỏ mọc hoang của các thửa ruộng xung quanh. Và từ năm 2018, toàn thôn Khau Phiêng đã có cây vụ 3, nhiều người xuống tận thị trấn Na Hang mua các giống rau chịu lạnh về trồng, có thêm thu nhập, đời sống người dân khấm khá trông thấy.
Anh Vàng cho biết, trong thôn người Mông chiếm số đông, vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh con không kế hoạch, việc này biết là khó tuyên truyền vận động nhưng anh vẫn cố gắng làm, dù nhiều lần bị “dọa”. Nói đến đây anh cười và kể, năm 2020, trong thôn có gia đình có con trai 18 tuổi kết hôn với cháu gái đang học lớp 9. Đôi trẻ được cả 2 gia đình ủng hộ. Nhiều lần đến vận động, mời thêm cả tư pháp xã đến nhưng dường như không thể lung lay ý chí 2 bên. Nhiều lần bố mẹ đôi bạn trẻ còn nổi nóng, phản ứng mạnh với anh Vàng. Nhưng suy nghĩ việc này không làm tốt sẽ tạo tiền lệ xấu cho người dân cả xã, anh Vàng dùng kế “mưa dầm thấm lâu”. Anh mày mò nghiên cứu Luật hình sự, sau đó anh tổ chức họp thôn, dõng dạc tuyên bố, sẽ tạo điều kiện cho đôi trẻ lấy nhau sau khi đủ tuổi kết hôn, nếu không chấp hành sẽ báo cáo cơ quan công an để xử lý theo pháp luật. Nhờ sự quyết đoán, sự am hiểu pháp luật mà anh đã thành công. Đến nay cặp đôi trẻ ngày nào vẫn giữ vững lập trường sẽ kết hôn khi đủ tuổi để không vi phạm.
Là hộ nghèo nhất trong thôn, ông Vương Văn Vàng dù đã có 5 con gái vẫn muốn có con trai. Nhắc đến trường hợp này, Trưởng thôn Vàng hơi thoáng buồn, anh bảo: ngoài nghèo, ông Vương Văn Vàng còn nghiện rượu, đó cũng là nguyên nhân khiến gia đình đều phải cứu đói lúc giáp hạt. Giờ sinh thêm con nữa, khó khăn sẽ chồng chất, không biết bao giờ thoát nghèo. Nghĩ mãi, vận động mãi, đến năm 2021, anh Vàng đã vận động ông Vàng viết cam kết không sinh con. Để giúp đỡ gia đình vươn lên, anh cùng vài người dân đã bỏ công giúp ông dựng lại nhà cửa, anh còn giúp ông một phần tiền để mua bò, mua lợn giống về nuôi. Ông Vương Văn Vàng cũng thẹn, chính vì đó ông hứa sẽ không sinh thêm con, sẽ cai rượu và quyết tâm làm lại. Đến giờ nhìn lại ông thầm cảm ơn Trưởng thôn Vàng nhiều lắm, đã cho ông cơ hội được đổi đời.
Người dân Khau Phiêng không có đất rừng, chỉ có ruộng canh tác, đó là điều vô cùng khó khăn để phát triển kinh tế. Do vậy chỉ có thể lấy chăn nuôi để làm đòn bẩy. Gần đây anh Vàng đang thử chăn nuôi dê thả rông dưới tán rừng. Anh phấn khởi cho biết, đã nhân đàn được hơn chục con dê, vốn đầu tư ít, chăm sóc cũng dễ, nếu thành công anh sẽ hướng dẫn nhân dân trong thôn cùng làm. Anh quả quyết, những việc khó mình đã làm được giờ chỉ tập trung tìm hướng đi mới để giúp người dân trong thôn từng bước vươn lên phát triển kinh tế, đặc biệt là thanh niên.
Gửi phản hồi
In bài viết