Nghĩa tình “bữa cơm tri ân”
Có lẽ hơn ai hết, thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thấu hiểu, tự hào và trân quý giá trị của độc lập, tự do. Bằng nhiều cách khác nhau, người trẻ đã thể hiện tình yêu đất nước theo cách riêng của mình. Trong mỗi việc làm, trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc luôn được tuổi trẻ đặt lên trên hết.
Một sáng tháng bảy, căn nhà nhỏ của mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Tâng, thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) lại rộn ràng, ấm cúng hơn ngày thường. Những bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên đã tề tựu về căn nhà nhỏ, chia nhau ra đi chợ, nhặt rau, vo gạo… để nấu một bữa cơm nghĩa tình ăn cùng mẹ Tâng. Mỗi người một việc, một tốp khoảng 5 bạn đoàn viên chăm lo việc nấu bữa cơm, các bạn còn lại tranh thủ giúp gia đình mẹ Tâng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, cuốc cỏ, chăm sóc cây cối, chỉnh trang lại vườn hộ.
Cảm động trước tình cảm của cán bộ, đoàn viên, mẹ Tâng xúc động nói: “Con trai mẹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng mẹ không cô đơn bởi mẹ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương và bà con lối xóm. Hôm nay có các cháu thanh niên đến nhà tổ chức nấu và ăn cơm, mẹ vui lắm”.
Đoàn thanh niên huyện Sơn Dương phối hợp Đoàn Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức bữa cơm tri ân tại gia đình mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Tâng, thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng.
Chị Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn Sơn Dương cho biết, nhằm tri ân người có công với cách mạng, Ban Thường vụ Huyện đoàn phát động phong trào tri ân gia đình liệt sĩ, thương binh. Thực hiện phong trào này, thời gian qua, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; thăm, tặng quà, giúp gia đình chính sách dọn dẹp vệ sinh, củng cố nhà cửa... Đặc biệt, các tổ chức đoàn đồng loạt tổ chức mô hình “bữa cơm tri ân”.
Với tấm lòng tri ân, biết ơn của thế hệ trẻ đối với các gia đình liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, ngoài việc tổ chức nấu bữa cơm nghĩa tình, Tỉnh đoàn còn chỉ đạo các cơ sở đoàn xã, thị trấn phối hợp tổ chức đoàn cơ quan, ban ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác như: thăm, tặng quà, khám cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong; tổ chức vệ sinh đài tưởng niệm liệt sĩ… Các hoạt động chăm lo gia đình liệt sĩ, thương binh không chỉ thiết thực tri ân người có công với cách mạng mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vì thế, chương trình thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên nhiệt tình hưởng ứng.
Cống hiến sức trẻ cho quê hương
Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông, tuổi trẻ hôm nay tiếp tục ra sức thi đua, lao động cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, phát triển.
Sinh ra trong gia đình có cha là bộ đội, ngay từ nhỏ đức tính Bộ đội Cụ Hồ cần, kiệm, liêm chính của người cha đã ăn sâu trong tiềm thức của chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Chị Thùy chia sẻ, chứng kiến nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nông dân “hai sương một nắng”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nông sản làm ra được mùa mất giá chị Thùy quyết tâm tìm một ngành nghề đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Nhận thấy địa phương có sẵn thế mạnh cây hương nhu, năm 2019, chị Thùy đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh với 11 thành viên, triển khai mô hình trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu.
Từ hơn 10 ha cây hương nhu, hợp tác xã đầu tư xây dựng nồi chưng cất tinh dầu hương nhu. Trung bình 1 tấn nguyên liệu, qua chưng cất thu được từ 3,5 - 4 lít tinh dầu, với giá bán 2,1 triệu đồng/lít. Sản phẩm của hợp tác xã phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc…
Anh Bùi Kiên Quyết (hàng sau, ngoài cùng bên trái) cùng hội doanh nghiệp trao kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo.
Hiện, sản phẩm tinh dầu hương nhu đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Không chỉ dừng lại ở sản xuất tinh dầu, chị Thùy còn bắt tay vào sản xuất sản phẩm bánh khảo Sơn Thủy đạt chuẩn OCOP 4 sao. Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Chị Thùy chia sẻ, được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã không còn bom đạn chiến tranh, chị luôn khắc ghi lời cha dạy, mình còn trẻ mình phải cống hiến góp sức xây dựng quê hương. Với bản thân, chị quan niệm, cống hiến không phải là cứ làm điều gì đó thật vĩ đại mà đơn giản là chúng ta góp công, góp sức, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Cũng như chị Thùy, anh Bùi Kiên Quyết, Giám đốc Công ty TNHH 27/7 Hưng Thịnh (Sơn Dương) có cha là một người lính chống Mỹ. Từ nhỏ cha anh luôn răn dạy, cha ông đã kiên cường chống giặc ngoại xâm, anh phải nỗ lực chống cái nghèo. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học mỏ, anh về làm việc tại công ty của gia đình với vai trò là công nhân. Với sức trẻ và nhiệt huyết cháy bỏng, anh không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, phương thức kinh doanh, nâng cao năng suất kinh doanh, khẳng định vị thế của mình. Đến nay, hơn 3 năm tiếp quản công việc của bố, trở thành Giám đốc Công ty, anh Quyết đã phát triển công ty đạt doanh thu tăng trưởng đều ở mức 10%/năm. Tạo việc làm ổn định cho 13 lao động với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Với quyết tâm mỗi năm trích một phần lợi nhuận công ty để làm công tác xã hội, từ thiện, 2 năm qua, công ty đã giúp đỡ, ủng hộ hơn 250 triệu đồng cho công tác thiện nguyện, trong đó tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình hộ nghèo; hỗ trợ địa phương phòng chống covid - 19; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, gia đình chính sách các huyện Yên Sơn, Sơn Dương. Riêng năm 2022, công ty hỗ trợ 2 hộ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tình nghĩa ở Sơn Dương.
Anh Quyết chia sẻ: Trong chiến tranh, bao lớp người ngã xuống, tình nguyện hy sinh một phần xương máu để giành lại hòa bình, độc lập như hôm nay. Vì vậy, tuổi trẻ chúng ta phải biết trân trọng lịch sử, những hy sinh của thế hệ cha ông để từ đó ra sức học hành, lao động, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Trong thời chiến, nhiều gia đình đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Truyền thống cách mạng tốt đẹp của cha ông chính là niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết