Một người dân Ấn Độ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: The Guardian
Ngày 5-6, bộ trưởng thương mại các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đạt đồng thuận về đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng với giá cả phải chăng.
Tuyên bố chung của các bộ trưởng thương mại APEC cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong việc bảo đảm tiếp cận rộng rãi và bình đẳng vắc xin ngừa Covid-19. Các thành viên APEC cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu và giảm thiểu sự gián đoạn đối với các mạng lưới quan trọng nhằm duy trì chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru.
Châu Mỹ
Ngày 5-6, Đại sứ Brazil tại Nga Tovar da Silva Nunes cho biết, Brazil dự kiến sẽ sản xuất ít nhất 8 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 có tên Sputnik V của Nga trên lãnh thổ nước này mỗi tháng. Vắc xin này sẽ không chỉ được sử dụng ở Brazil mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh.
Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Khoa học, Công nghệ, Đổi mới và Truyền thông Brazil đã công nhận mức độ an toàn của vắc xin Sputnik V và phê duyệt sản xuất thương mại vắc xin này tại Brazil.
Châu Âu
Ngày 5-6, Anh đã ghi nhận thêm 5.765 ca mắc Covid-19. Với con số này, số ca nhiễm Covid-19 trung bình trong 7 ngày ở nước này đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 4.
Xu hướng tăng nhẹ số ca mắc Covid-19 tại Anh đang làm gia tăng lo ngại về sự lan rộng của biến chủng Delta, lần đầu được xác định ở Ấn Độ. Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết, đây là biến chủng "chiếm ưu thế" trong số các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở nước này.
Theo dữ liệu của Chính phủ Anh, tính đến ngày 5-6, đã có 76,2% dân số trưởng thành ở nước này được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, và 51,6% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tuần tới, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo cam kết nỗ lực tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn thế giới vào cuối năm 2022. Nhà lãnh đạo Anh cho biết, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho thế giới vào cuối năm tới sẽ là một kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử y học.
Chính phủ Anh cũng chỉ ra thành công trong việc hỗ trợ phát triển vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) và cung cấp vắc xin này trên toàn thế giới với giá rẻ, cũng như hỗ trợ cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).
Trang The Guardian dẫn nguồn tin từ các quan chức Bỉ cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng trong độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi kể từ tháng tới. Những người này sẽ được tiêm vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) - loại vắc xin đã được các cơ quan giám sát y tế Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận sử dụng cho trẻ em.
Liên đoàn Du lịch Italia cho biết, nước này đang kỳ vọng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch so với năm 2020, trong bối cảnh các hạn chế về đi lại vào mùa hè đang được nới lỏng nhờ những tín hiệu tích cực từ nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19. Cụ thể, Liên đoàn này ước tính từ tháng 6 đến 8-2021, sẽ có 33 triệu lượt khách lưu lại tại Italia trong tổng cộng 140 triệu đêm, tăng 20,8% so với năm 2020.
Tuy nhiên, con số trên chưa đủ để đưa "ngành công nghiệp không khói" trở lại mức trước đại dịch Covid-19 ở Italia. Du lịch hiện chiếm tới 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở quốc gia châu Âu này.
Châu Á
Một số bang của Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 có chiều hướng giảm. Tại vùng thủ đô New Delhi, từ ngày 7-6, các cửa hàng sẽ mở cửa luân phiên hằng ngày theo số chẵn - lẻ. Các văn phòng tư nhân được phép hoạt động với một nửa số nhân viên làm việc. Tuyến tàu điện ngầm Delhi Metro cũng sẽ hoạt động trở lại với 50% công suất.
Tại bang Maharashtra ở miền Tây Ấn Độ, các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng và văn phòng cũng được phép mở cửa thường xuyên từ ngày 7-6 tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm dưới 5%...
Gửi phản hồi
In bài viết