Đệ nhất phu nhân Jill Biden tới thăm điểm tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại Harlem (New York) trong ngày chủ nhật.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) cho thấy, số người được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại nước này đã đạt tới ngưỡng 301.638.578 trường hợp, tăng nhanh so với mức 300.268.720 ghi nhận ngày 5-6. Đáng chú ý, đã có 170.833.221 người đã được tiêm ít nhất 1 liều, trong khi 138.969.323 người đã tiêm phòng đầy đủ.
Trong bối cảnh 63% số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều, chính quyền Mỹ lạc quan về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn ngay trong mùa hè này, sau hơn 15 tháng áp đặt phong tỏa ở nhiều mức khác nhau. Cùng ngày, Washington cũng cho biết sẽ tặng 750.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Đài Loan (Trung Quốc).
Brazil dự kiến sản xuất ít nhất 8 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga mỗi tháng. Việc sản xuất vắc xin ở Brazil đã bắt đầu và vắc xin sẽ không chỉ được sử dụng ở Brazil mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 39.637 ca nhiễm mới, thêm 873 ca tử vong. Mức này thấp hơn so với trung bình 7 ngày vừa qua.
Châu Á
Châu Á đang là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới, với hơn 52 triệu ca nhiễm và hơn 711.000 ca tử vong.
Ấn Độ ghi nhận 101.232 ca nhiễm mới, mức theo ngày thấp nhất tại nước này trong hai tháng trở lại đây. Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan cũng thông báo ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 3 tháng (1.629 ca).
Tại Trung Quốc, Hong Kong đã ghi nhận ca mắc mới, chấm dứt chuỗi 42 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, ca nhiễm mới này là một thiếu nữ 17 tuổi ở Tin Shui Wai, được chẩn đoán nhiễm biến thể dạng đột biến gen N501Y (biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y). Đây là một trong 3 đột biến đáng lo ngại nhất của các loại biến thể vi rút SARS-CoV-2 bởi nó làm tăng khả năng bám dính của vi rút với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Đây là trường hợp đầu tiên mắc đột biến gen N501Y mà không rõ nguồn lây tại Hong Kong. Chính quyền Hong Kong cho biết ca bệnh mới là dấu hiệu cảnh báo của làn sóng bùng phát dịch thứ 5 tại đặc khu này, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Thành phố Miêu Lật tại Đài Loan (Trung Quốc) thông báo cách ly toàn bộ công nhân nước ngoài tại công ty đóng gói chip bán dẫn lớn nhất King Yuan Electronics nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Công ty này là nơi tập trung hầu hết ca nhiễm ghi nhận ở thành phố Miêu Lật. Hiện 206 công nhân đã được xác nhận nhiễm tại ổ dịch ở Miêu Lật, đại đa số là lao động nhập cư người nước ngoài.
Mông Cổ ghi nhận trẻ em đầu tiên tử vong vì Covid-19 là một bé gái 8 tuổi. Bộ Y tế nước này bày tỏ quan ngại tỷ lệ xét nghiệm dương tính đang tăng lên đáng kể, đồng thời kêu gọi mọi người tuân thủ các chỉ dẫn y tế.
Tại Đông Nam Á, Lào kêu gọi người dân cả nước tiếp tục đi tiêm mũi thứ hai vắc xin Covid-19 theo đúng hẹn để đảm bảo hiệu quả, trong khi người chưa tiêm mũi đầu tiên có thể đăng ký với cơ quan y tế địa phương để được cung cấp vắc xin. Theo quy định phòng dịch mới, người dân ở Viêng Chăn đã tiêm đủ hai mũi vắc xin sẽ được phép đến các tỉnh khác mà không phải xin phép hoặc cách ly.
Trong khi đó, Thái Lan cho biết người dân có thể sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 do nước này tự phát triển để tiêm mũi nhắc lại vào năm tới, mặc dù cho tới nay vẫn chưa có loại vắc xin nội địa nào vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Hiện 3 loại vắc xin mà Thái Lan tự nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do công ty Baiya Phytopharm bào chế, Chula-Cov 19 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vắc xin của Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm chính phủ (GPO) bào chế chưa thể được sử dụng để đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay hoặc giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt vắc xin khi chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nước này bắt đầu từ ngày hôm nay (7-6).
Tại Trung Đông, Israel bắt đầu tiêm phòng cho các đối tượng từ 12 đến 16 tuổi, sau khi hoàn tất chủng ngừa cho ít nhất 55% dân số.
Châu Âu
Pháp và Nga đang có số ca nhiễm cao nhất Lục địa già. Trong đó, số người nhiễm Covid-19 tại Pháp đã lên tới 5.712.753 trường hợp. Nước này thông báo đã tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 27.957.453 người, trong đó 13.709.004 người được xác nhận đã được chủng ngừa đầy đủ để chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ lạc quan về việc thế giới sẽ tiêm phòng xong vào cuối năm 2022. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi thế giới thành lập hệ thống giám sát chung đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Anh được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin vẫn được bảo vệ trước biến thể Delta.
Châu Phi
Lục địa này ghi nhận gần 5 triệu ca nhiễm Covid-19. Trong đó, riêng Nam Phi có 1,6 triệu ca. Nước này cũng ghi nhận số người tử vong cao nhất châu lục, hiện đã lên tới 56.974 ca.
Morocco sẽ tiếp nhận các chuyến bay quốc tế kể từ ngày 15-6 nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đưa công dân về nước. Tuy nhiên, những người trở về chỉ được phép nhập cảnh nếu đã tiêm phòng vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Uganda đã tái áp đặt phong tỏa trong 42 ngày, lần này bao gồm cả đóng cửa trường học và cấm đi lại giữa các địa phương. Quyết định này của Tổng thống Yoweri Museveni được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại quốc gia này lại gia tăng ở mức kỷ lục, khoảng 825 ca nhiễm mới/ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết