Diễn đàn đưa ra nhiều khuyến nghị về bảo đảm quyền của người khuyết tật. (Ảnh BỘ XÃ HỘI INDONESIA)
Bảo đảm quyền và tăng cường vai trò của người khuyết tật thông qua các nỗ lực ở cấp quốc gia và khu vực, là nội dung được nêu bật tại Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật sau năm 2025, diễn ra ở thành phố Makassar của Indonesia.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Xã hội Indonesia Tri Rismaharini cho biết, có khoảng 62 triệu người khuyết tật tại các nước thành viên ASEAN, trong đó có khoảng 22,9 triệu người ở Indonesia.
Theo bà Tri Rismaharini, dù đã đạt được nhiều thành tựu, song ASEAN vẫn phải đối mặt những khó khăn trong việc xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, loại bỏ những trở ngại mà nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này gặp phải; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia, đóng góp vào nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh tiến trình hòa nhập của người khuyết tật ở các nước Đông Nam Á còn nhiều thách thức, tại diễn đàn, các nước thành viên ASEAN nhấn mạnh mục tiêu chung nhằm đẩy mạnh trao quyền cho người khuyết tật; khẳng định cam kết tăng cường vai trò của nhóm yếu thế này ở khu vực.
Diễn đàn cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác chặt chẽ, không chỉ trong ASEAN mà còn giữa các nước thành viên với các đối tác trong vấn đề này.
Để hiện thực hóa những mục tiêu, cam kết nêu trên, diễn đàn đưa ra Khuyến nghị Makassar. Khuyến nghị cho rằng cần đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về tạo điều kiện cho ASEAN 2025 bằng cách lồng ghép các hoạt động bảo đảm quyền của người khuyết tật vào ba trụ cột của Hiệp hội.
Khuyến nghị cũng nhấn mạnh việc bảo đảm sự phát triển, hòa nhập của người khuyết tật như một phần trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045; cung cấp các chính sách phát triển và phúc lợi xã hội nhằm trao quyền và bảo đảm quyền của người khuyết tật cũng cần được chú trọng.
Nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khuyến nghị cho rằng cần tăng cường nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Khuyến nghị cũng kêu gọi các đối tác của ASEAN lồng ghép nội dung trao quyền cho người khuyết tật trong hợp tác với Hiệp hội.
Tăng cường nỗ lực chung nhằm xóa bỏ các rào cản với người khuyết tật trong việc tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm là nội dung được nêu trong khuyến nghị.
Khuyến nghị khuyến khích khu vực tư nhân triển khai các mô hình kinh doanh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với người khuyết tật, cũng như hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận việc làm tốt hơn.
Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Jakarta cho biết, hiện nay vẫn còn sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong việc làm; khẳng định, nếu được tạo cơ hội, người khuyết tật có thể hoàn thành tốt công việc.
Đồng tình với nhận định này, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh, người khuyết tật có thể đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển ở mọi cấp độ.
Bên cạnh đó, bà Alisjahbana cho rằng, chính sách mà các quốc gia đưa ra nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật cần phù hợp với Công ước về Quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc.
Tham dự diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội người khuyết tật Indonesia Norman Yulian bày tỏ vui mừng về những nỗ lực thúc đẩy sự hòa nhập người khuyết tật; hy vọng rằng một kế hoạch tổng thể góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra với người khuyết tật trong khu vực có thể được xây dựng.
Nỗ lực nêu trên đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như khối tư nhân. Các đại biểu tham dự diễn đàn kêu gọi các bên tham gia tăng cường các cam kết, hành động nhằm mang đến cho người khuyết tật một cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời tạo điều kiện để họ đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết