Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của Nhà trắng nêu rõ quyết định này được đưa ra sau khi có sự tham vấn và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh NATO. Nhiều nước thành viên CFE không tham gia NATO cũng ủng hộ hoãn thi hành CFE.
Trong tuyên bố chung đưa ra tại trụ sở NATO, Mỹ và các đồng minh cho rằng việc tạm hoãn thực thi nghĩa vụ của CFE sẽ giúp “tăng cường năng lực răn đe và khả năng phòng thủ” của NATO.
Mặt khác, Mỹ cùng các đồng minh NATO và các đối tác có trách nhiệm khác tiếp tục khẳng định cam kết đối với việc kiểm soát hiệu quả các loại vũ khí thông thường, coi đó là một phần then chốt của an ninh châu Âu-Đại Tây Dương, theo đó sẽ tiếp tục các biện pháp nhằm tăng cường an ninh và ổn định ở châu Âu, giảm rủi ro, ngăn ngừa hiểu nhầm, tránh xung đột và xây dựng lòng tin.
Trước đó, ngày 7/11, Bộ Ngoại giao Nga thông báo thủ tục rút Nga khỏi CFE đã hoàn tất và văn kiện này không còn hiệu lực đối với Moskva. Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và các nước thành viên NATO trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí đều không thể thực hiện được từ ngày 7/11.
Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên NATO và sáu thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối. CFE quy định giới hạn trong việc triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra.
Năm 1999, một thỏa thuận đã được ký về việc điều chỉnh CFE, đặt ra các giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối. Tuy nhiên, các nước thành viên NATO đã không phê chuẩn bản cập nhật của hiệp ước CFE này. Năm 2007, Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước.
Gửi phản hồi
In bài viết