Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Sydney (Australia).
Châu Á - châu Đại Dương
Theo thông báo từ Bộ Y tế Australia, nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Trong 24 giờ qua, Australia ghi nhận 1.756 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận mốc cao kỷ lục. Trong số này, có 1.533 ca ở bang New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất với thủ phủ là thành phố Sydney. Trong khi đó, bang đông dân thứ hai, Victoria đã ghi nhận 199 ca nhiễm. Nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước.
Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) đã phê chuẩn việc tiêm vắc xin của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch Covid-19. Liều khuyến cáo và thời gian giữa các mũi tiêm cũng tương tự như người lớn, với 2 mũi cách nhau 28 ngày. Với quyết định trên, vắc xin của Moderna đã trở thành loại vắc xin thứ hai sau Pfizer được áp dụng tiêm cho trẻ em ở Australia.
Hiện mới có 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm phòng. Với tốc độ hiện nay, dự kiến Australia có thể đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm phòng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11-2021.
Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 20.741 ca mắc Covid-19 và 189 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt lên 2.061.084 và 34.062 ca. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1-2020.
Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) của Philippines đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ hiện nay trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch Covid-19. Hãng cho biết, việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ, trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của luật phá sản. PAL cũng sẽ giảm 25% phi đội của mình và đàm phán lại các hợp đồng nhằm giảm tiền thuê.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đi lại do dịch Covid-19 từ ngày 6-9 đối với hành khách đến từ 10 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, UAE, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Oman, Thái Lan, Malaysia... Theo thông báo của người phát ngôn Tổng thống Harry Roque, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 6-9. Hành khách từ các quốc gia nói trên sẽ thực hiện cách ly 14 ngày khi tới Philippines.
Trong khi đó, Thái Lan cũng có thêm 15.942 ca mắc mới và 257 ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1.265.082 và 12.631 ca. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất tại Thái Lan trong 24 giờ qua, với 3.835 ca. Tính đến nay, hơn 92% số người dân ở thủ đô Bangkok đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1. Biến chủng Delta đã được phát hiện tại hầu hết các tỉnh ở Thái Lan, chiếm khoảng 92,9% số ca nhiễm mới tại nước này.
Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết, nước này đang lên kế hoạch ứng dụng sáng kiến tiêm chủng mới với việc tiêm kết hợp vắc xin của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech kể từ tháng tới. Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn, Phó Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, kế hoạch tiêm trộn vắc xin AstraZeneca-Pfizer đã được thông qua. Chương trình sẽ bắt đầu từ tháng 10, sau khi Thái Lan tiếp nhận lô vắc xin Pfizer vào cuối tháng này.
Theo kế hoạch tiêm chủng kết hợp vắc xin, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin Pfizer, với khoảng cách từ 4-12 tuần.
Tại Campuchia, đã có thêm 13 người tử vong và 422 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 138 ca nhập cảnh và 284 ca lây nhiễm cộng đồng. Để đảm bảo cho việc mở cửa lại trường học, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo cho Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Phnom Penh về việc tổ chức tiêm phòng Covid-19 mũi thứ ba cho hơn 10.000 người làm việc trong ngành giáo dục thành phố. Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đang nỗ lực để tiêm phòng Covid-19 miễn phí cho toàn bộ người dân. Cộng cả số vắc xin vừa nhận ngày 4-9, hiện Campuchia có gần 30 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.
Châu Mỹ
Báo New York Times đưa tin, các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết, họ chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo tiêm mũi tăng cường ở mức độ rộng rãi hơn vào cuối tháng 9. Các quan chức y tế đã đề nghị Nhà Trắng thu hẹp quy mô của kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân Mỹ vào cuối tháng 9, đồng thời cho rằng, cần có thêm thời gian để thu thập và đánh giá lại toàn bộ dữ liệu cần thiết.
Theo Tiến sĩ Janet Woodcock - Quyền Giám đốc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, hai cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 9 chỉ với những người đã được tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech.
Trong bối cảnh biến chủng Delta đang làm số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo, trong tuần tới sẽ công bố những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta, đồng thời cho biết, tiến trình hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra một cách bền vững và mạnh mẽ. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Chúng ta cần đạt thêm tiến triển trong cuộc chiến chống biến chủng Delta".
Tại Cuba, các cơ quan chức năng của Cuba đã khởi động chiến dịch tiêm phòng Covid-19 quốc gia cho trẻ em trong độ tuổi từ 2-18. Theo đó, những em từ 12-18 tuổi sẽ là nhóm trẻ đầu tiên được tiêm mũi thứ nhất của vắc xin nội địa Abdala và Soberana. Các nhóm bé hơn sẽ được tiêm sau đó.
Đây là nỗ lực của Chính phủ Cuba trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trước thềm khai giảng năm học mới trong bối cảnh vẫn chưa thể đẩy lùi dịch bệnh. Năm học mới ở Cuba sẽ khai giảng vào đầu tuần tới, nhưng các em vẫn sẽ học trực tuyến cho đến khi tất cả trẻ đủ điều kiện được tiêm phòng vắc xin. Dự kiến, việc học trực tiếp tại trường sẽ được nối lại vào tháng 10 tới.
Gửi phản hồi
In bài viết