Các binh lính Guinea tại thủ đô Conakry ngày 5-9 - Ảnh: REUTERS
Ngày 5-9, giờ địa phương, lãnh đạo lực lượng đảo chính, ông Mamady Doumbouya, nói rằng lực lượng này quyết định đảo chính vì tình hình "đói nghèo và tham nhũng" ở quốc gia Tây Phi này.
"Chúng tôi đã giải tán chính phủ và hiến pháp. Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại hiến pháp" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Doumbouya thông báo trên truyền hình quốc gia. Ngoài ra, lực lượng này cũng tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ, trên không, áp dụng giới nghiêm toàn quốc.
Lực lượng đảo chính cũng cho biết sẽ triệu tập cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức cấp cao Guinea vào ngày 6-9 tại thủ đô Conakry. "Bất cứ ai không tham gia sẽ bị coi là nổi loạn" - nhóm này cảnh báo.
Theo Reuters, tiếng súng vang lên tại dinh Tổng thống Conde sáng ngày 5-9. Vài giờ sau đó, nhiều đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy ông Conde bị các binh lính bao vây trong một căn phòng.
Một số nguồn tin quân sự cho hay ông Conde đang bị giam giữ tại một nơi bí mật và lực lượng đảo chính cũng bắt giữ một số người khác. Lực lượng đảo chính khẳng định ông vẫn an toàn.
Phản ứng sau vụ việc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố lên án vụ đảo chính và yêu cầu thả Tổng thống Conde. Tại châu Âu, nhà ngoại giao hàng đầu khu vực là Josep Borrell kêu gọi "tôn trọng luật pháp, lợi ích hòa bình và thịnh vượng của người dân Guinea".
Lãnh đạo Liên minh châu Phi, Tổng thống Felix Tshisekedi của Cộng hòa Dân chủ Congo, đã kêu gọi Hội đồng an ninh và hòa bình của tổ chức này mở cuộc họp khẩn về tình hình Guinea. Trong khi đó, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã dọa sẽ trừng phạt nếu Guinea không khôi phục lại trật tự hiến pháp.
Gửi phản hồi
In bài viết