CÙNG SINH HOẠT TẠI CƠ SỞ
Nhận thấy chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nhằm giúp cấp ủy các cấp có những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn, trong đó: Quy định số 18-QĐi/TU ngày 5/10/2018 quy định về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư thuộc đảng bộ được phân công phụ trách, theo dõi; dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú; Quy định số 20-QĐi/TU ngày 25/10/2018 quy định về trách nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong việc dự sinh hoạt chi bộ thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp ủy.
Chủ trương này nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhân dân; thông tin các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân; nắm chắc tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở để giải quyết; hướng dẫn sinh hoạt nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ đối với thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, đảm bảo truyền tải thông tin, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở.
Đồng chí Hứa Thị Lèng làm Bí thư chi bộ thôn Bình An, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) đến nay đã được 14 năm cho biết, mặc dù từ trước đến nay chi bộ vẫn tổ chức sinh hoạt theo quy định, nhưng từ ngày có đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn đã mang đến “luồng gió mới”. Đồng chí đã chỉ ra những mặt chưa được như trình tự nội dung sinh hoạt chưa hợp lý, chưa lựa chọn được nội dung trọng tâm để phổ biến quán triệt đến đảng viên; việc trao đổi ý kiến, thảo luận còn chung chung chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa có trọng tâm; việc kiểm điểm, đánh giá hoạt động chưa làm rõ nhiệm vụ cụ thể gắn với hoạt động thực tiễn của chi bộ.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ma Thế Hồng dự sinh hoạt tại chi bộ
thôn Đồng Quảng, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên (ảnh 1).
Đồng chí Mai Đức Thông, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang dự sinh hoạt và thăm mô hình
thanh long tại thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương (ảnh 2).
Đồng chí Hà Văn Thị, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn theo dõi thi công
đường bê tông thôn Cây Nhãn (ảnh 3).
Các đồng chí đã góp ý, hướng dẫn về cách thức sinh hoạt, đánh giá kết quả hoạt động tháng trước cần tập trung vào kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thôn. Đồng thời phân công cụ thể cho đảng viên phụ trách công tác giảm nghèo, tuyên truyền giúp đỡ các hộ nghèo vận dụng những chính sách, vật chất đã được hỗ trợ để tập trung lao động sản xuất thoát nghèo. Ngay sau buổi dự sinh hoạt và góp ý của đồng chí cấp ủy tỉnh, chi bộ thôn Bình An đã phân công đảng viên giúp đỡ 4 hộ thoát nghèo.
Không chỉ trong sinh hoạt chi bộ, các cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang còn có những cách “đi vào lòng dân” bằng sự gắn bó với cơ sở, với cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã phát huy tính sáng tạo, vận dụng những khả năng của bản thân để vừa lãnh đạo, vừa “làm bạn” với dân.
Người dân thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình).
Đồng chí Cháng A Đềnh, Bí thư chi bộ thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) là người Mông, nhưng đã học tiếng Dao để tuyên truyền cho bà con người Dao trong thôn cùng phát triển kinh tế. Để vận động bà con trồng mía, chăn nuôi vỗ béo trâu bò, Bí thư A Đềnh vừa nói bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Dao nên bà con dễ hiểu, tin tưởng và làm theo. Từ việc chăn nuôi manh mún, hiện nay cả thôn đã có gần 170 con trâu, trong đó 15 hộ người Dao có 45 con.
Bí thư chi bộ thôn Tiên Tốc Cháng A Đềnh thường gặp gỡ bà con trong thôn để hướng dẫn sản xuất.
Còn cán bộ người Kinh Vũ Văn Nam ở huyện Hàm Yên thì có bí quyết nói thành thạo tiếng Mông là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Anh Nam chia sẻ, trước đây với vai trò là Trưởng Công an xã Yên Lâm, anh luôn tận dụng mọi thời gian đi cơ sở, chuyện trò, làm việc, ăn cơm cùng dân. “Mình phải biết tiếng của đồng bào, thì đồng bào mới thấy tin tưởng gần gũi và chia sẻ với mình được. Những lúc ấy phải tranh thủ học hỏi và vận dụng ngay, vài lần là thạo thôi”.
Tuyên Quang hiện vẫn là tỉnh nằm trong “vùng xanh” của cả nước. Có được kết quả đó là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các ngành, các cấp và nhân dân, đặc biệt là vai trò của các tổ covid cộng đồng. Tuyên Quang có hơn 2.350 tổ covid cộng đồng với trên 7.000 thành viên ở 138 xã, phường, thị trấn. Việc giám sát các đối tượng liên quan đến ca mắc được chặt chẽ, việc ra kiểm soát người ra vào tỉnh ở tất cả các cửa ngõ được thắt chặt, người dân đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Khi mỗi địa phương có các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, các tổ covid cộng đồng đều sẵn sàng vào cuộc.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Tuyên Quang phát hiện ca bệnh đầu tiên tại thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cùng nhiều trường hợp tiếp xúc. Đồng chí Vũ Xuân Tuyên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Khoai nhớ lại, Tổ covid cộng đồng tại thôn được thành lập từ trước đó. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở thôn, cũng là ca đầu của tỉnh, nhiều người trong thôn đã rất lo lắng. Yêu cầu cấp bách được đặt ra đối với xã là phải thần tốc truy vết, theo dõi các trường hợp F1, F2, F3 để có các biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây lan. Bí thư Tuyên đã xác định ngay thôn là “cánh tay nối dài” của xã, việc đầu tiên là cùng với trưởng các đoàn thể trong thôn và Tổ covid cộng đồng nắm tình hình di biến động của người dân, tuyên truyền, vận động trấn an người dân không hoang mang lo sợ.
Bà Hoàng Thị Nga là mẹ của bệnh nhân F0, hoàn cảnh lúc đó rất éo le, bà vừa phải chăm bố chồng già yếu, vừa chăm chồng ốm thập tử nhất sinh rồi lại chăm hai đứa cháu. Khi nhận tin bà đã rất lo sợ, nhưng được kịp thời thông tin trấn an và động viên thường xuyên qua điện thoại nên tư tưởng được ổn định, nghe theo sự chỉ đạo của chính quyền, thực hiện cách ly theo quy định.
Tổ covid cộng đồng thôn Khuôn Khoai phân chia hàng cứu trợ cho nhân dân cách ly tại thôn.
Mặc dù cách ly, phong tỏa, nhưng cuộc sống của người dân thôn Khuôn Khoai ít bị đảo lộn bởi có sự hoạt động tích cực của Tổ covid cộng đồng. Hàng ngày, các cán bộ xã, các ngành chức năng đều có mặt tại chốt kiểm soát cửa ngõ vào thôn, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ thôn hỏi thăm, quan tâm đời sống sinh hoạt của người dân xem thiếu gì, khó khăn gì. Các thành viên trong tổ hai lần đi lấy hàng cứu trợ để chia cho các hộ dân, nên bà con nhân dân rất yên tâm, tuyệt đối nghe theo sự chỉ đạo.
Ngoài các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến quốc lộ, thì tại các cửa ngõ giáp ranh với một số tỉnh lân cận, các tổ covid cộng đồng luôn là “tai mắt” để phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện những đối tượng cố tình “thông chốt” xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Qua thực tế phát hiện các ca nhiễm và nghi nhiễm trên địa bàn tỉnh cho thấy, các tổ covid cộng đồng ở Tuyên Quang đã phát huy được hiệu quả. Việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để khoanh vùng, cách ly những khu vực có nguy cơ cao, cùng với đó là tuyên truyền, dựa vào dân, huy động sức dân, tạo sự đồng lòng để phòng chống dịch, theo đúng với phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch”.
Tổ covid cộng đồng tổ 10 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) rà soát người đi về địa bàn.
CÙNG DÂN TRONG TỪNG VIỆC
Hàm Yên là một trong những huyện đi đầu ở Tuyên Quang về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở.
Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện được tỉnh giao trọng trách xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trước đây, nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị còn khó khăn; ý thức sinh hoạt của một bộ phận nhân dân như chưa văn minh, chưa quan tâm đến vệ sinh các công trình công cộng, chưa chú trọng xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh, xả rác bừa bãi ra nơi công cộng…Một số hoạt động của cán bộ, nhân dân tuy có nhưng chỉ là tự phát, do vậy điều đặt ra với huyện là làm sao tổ chức được thành phong trào rộng khắp, nền nếp.
Cán bộ và nhân dân xã Thái Hòa (Hàm Yên) cùng lao động với nhân dân thôn Ninh Tuyên vào ngày cuối tuần.
Ngày 18/12/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 01 yêu cầu các chi, đảng bộ cơ sở, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp huyện đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở cùng nhân dân vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần.
Cứ vào những ngày cuối tuần, khi thời tiết thuận lợi, cán bộ, đảng viên và chiến sỹ lực lượng vũ trang của huyện lại xuống cơ sở thực hiện “ngày thứ bảy cùng dân”, tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, trồng hoa các tuyến đường, đắp lề đường, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách chỉnh trang nhà cửa...Không khí lao động sôi nổi khắp các bản làng, giúp người dân, cán bộ, lãnh đạo các cấp trong huyện gần gũi, gắn kết với nhau hơn.
Ông Hoàng Văn Len, Trưởng thôn Minh Thái, xã Thái Sơn chia sẻ, xã là một trong hai xã của huyện Hàm Yên phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021. Hiện xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại, trong đó có môi trường, xã đã xây dựng kế hoạch cho cán bộ xã tham gia cùng nhân dân các thôn, vận động tham gia xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình, tổ nhóm tự quản, hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa, vừa giúp được dân lại vừa cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Đến nay, toàn huyện Hàm Yên đã huy động trên 63.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và và nhân dân tham gia lao động vệ sinh môi trường các tuyến đường, trồng và chăm sóc hơn 40 km đường hoa; chỉnh trang khuôn viên các nhà văn hóa, phát dọn, nạo vét rãnh của gần 200 km các tuyến đường, lắp đặt hơn 5 km cấu kiện kênh mương, hỗ trợ làm trên 220 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhiều hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh, phân loại rác thải, xây bể xử lý rác hữu cơ, lò đốt rác tại hộ gia đình… Người dân trong huyện đã tích cực hơn trong phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp.
Bí thư Huyện ủy Mai Hồng Hà cho biết, kinh nghiệm từ chương trình này cho thấy, khi cán bộ, đảng viên gần gũi với với quần chúng nhân dân sẽ giúp tăng cường mối liên hệ giữa dân với Đảng. Việc tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân thấy mình thực sự là chủ thể, đồng thuận, tự giác, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới sẽ dễ dàng hơn.
Từ cách làm hiệu quả này của Hàm Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị - xã hội trong tỉnh, nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chia sẻ, đồng cảm, cổ vũ và động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Theo đó các huyện, thành phố hưởng ứng để tiếp tục học tập, nhân rộng mô hình, tạo khí thế thi đua sôi nổi lan tỏa trong toàn tỉnh.
“Ba cùng” với dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cho nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai sử dụng các ngày nghỉ cuối tuần để giúp dân kê khai, thẩm định, kiểm tra kết quả việc chỉnh lý biến động thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ vậy mà các thủ tục chỉnh lý chỉ mất 30 phút đã giải quyết xong, các thông tin chính xác, ít phải làm lại.
Cán bộ văn phòng Đăng ký đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc thứ bảy và chủ nhật để giải quyết thủ tục liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, những thông tin trên giấy tờ liên quan đến đất của người dân bị biến động là do thay đổi địa giới hành chính. Sở đã thực hiện những điều chỉnh này hoàn toàn miễn phí cho người dân. Mục tiêu đặt ra của ngành là đem đến sự phục vụ hài lòng nhất cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục. Đây là hoạt động cụ thể của ngành nhằm thực hiện Đề án số 02 - ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
CÙNG ĐỐI THOẠI VÀ GIẢI QUYẾT NGUYỆN VỌNG
CHÍNH ĐÁNG CỦA DÂN
Đối với các vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm, hoặc có tính chất “nóng”, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, đi đôi với vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là người đứng đầu phải nắm bắt và hiểu rõ vấn đề phức tạp ở cơ sở, đặc biệt là từ trong dân. Việc thường xuyên đi cơ sở của lãnh đạo tỉnh trong thời gian vừa qua đã và đang tháo dần những nút thắt bức xúc trong nhân dân. Đích thân đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi cơ sở, đến những “điểm nóng” nắm bắt, tìm hiểu vấn đề và chủ trì nhiều cuộc đối thoại với công dân. Hầu hết các bức xúc đều liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, những chính sách ảnh hưởng tới đời sống và quyền lợi của nhân dân. Bên cạnh việc trực tiếp giải quyết, lãnh đạo UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, sâu sát, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Từ cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đối thoại với đại diện một số hộ dân về việc giao bổ sung đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tái định cư còn thiếu theo Quyết định số 1766 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của người dân và mong muốn người dân cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh vì nguồn vốn thực hiện cho công tác di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang còn chưa được cấp đủ. Tỉnh báo cáo Chính phủ để giải quyết, đồng thời giao UBND các huyện, thành phố giải quyết toàn bộ những vướng mắc của các hộ; rà soát lại những vướng mắc tại từng khu, điểm, hộ dân tái định cư để giải quyết dứt điểm từng khó khăn, vướng mắc. Từ đó đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều công việc khác nhưng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh vẫn trực tiếp chủ trì tiếp và giải quyết các kiến nghị của công dân, chủ yếu liên quan đến các quy định về đất đai. Những vướng mắc thuộc phạm vi địa bàn nào đã được chỉ đạo giải quyết triệt để.
1- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng thi công đường bờ sông Lô
qua thành phố Tuyên Quang. 2- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Hoàng Việt Phương kiểm tra việc thực hiện Dự án khu xử lý rác thải tại xã Nhữ Khê (Yên Sơn).
3- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc tiếp công dân.
Một trường hợp điển hình tại huyện Yên Sơn. Từ năm 2011, ông Phạm Trọng Kiêm, thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã gửi đơn khiếu kiện về việc Nhà nước thu hồi gần 2.300m2 đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông để bố trí khu tái định cư. Ông cho rằng việc thu hồi là không đúng, hơn nữa cán bộ khi giải quyết công việc chưa có sự giải thích thỏa đáng. Từ đó đến nay hơn 10 năm ông đã gửi gần 200 đơn khiếu kiện đến các cấp từ huyện cho đến Trung ương, rồi có những phát ngôn trên mạng xã hội thể hiện sự không đồng tình với các quyết định đó, gây phức tạp tình hình tại địa phương.
Khi được phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phạm Ninh Thái hiện là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đã nhận thấy đó là việc cần phải giải quyết triệt để, không thể kéo dài hơn làm phức tạp tình hình an ninh ở cơ sở. Cuối năm 2020, đồng chí đã giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện cùng với cán bộ chuyên môn nghiên cứu kỹ các văn bản và đối chiếu với các quy định của pháp luật để làm cơ sở giải quyết. Đồng thời tổ chức xuống nhà gặp gỡ, mời ông Kiêm đến trụ sở huyện đối thoại nhiều lần để bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và tích cực xem xét những lợi ích chính đáng của ông Kiêm, những quyết định chưa hợp lý của chính quyền, đến nay mọi việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý. Ông Kiêm cho biết, ông hài lòng với cách giải quyết này của huyện, giải tỏa được những bức xúc hơn 10 năm nay. Ông đã rút đơn, có cam kết không khiếu kiện, đồng thời tình nguyện hiến cho huyện hơn 530 m2 đất để bố trí tái định cư.
Khu đất của gia đình ông Kiêm (ảnh trái) và niềm vui của ông khi được giải quyết thỏa đáng bức xúc hơn 10 năm nay (ảnh phải).
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cây Đa 2, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương Chu Văn Minh cũng đồng thời là Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Ông luôn tâm niệm muốn giải quyết được ổn thỏa các mối quan hệ trong cộng đồng thì cần phải tạo được mối quan hệ thân mật, gần gũi với các gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để biết người dân muốn gì. Từ đó, ông tích cực tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn của các hộ gia đình trên địa bàn thôn như tranh chấp đất đai, sử dụng đất trái mục đích. Những năm qua, ông đã cùng Tổ hòa giải giải quyết 13 vụ mâu thuẫn có hiệu quả ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nhờ đó, thôn không có khiếu kiện vượt cấp, nhân dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát vừa qua, ông còn vận động nhân dân trong thôn quyên góp 4,4 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19, 4 triệu đồng các chốt kiểm dịch tại xã, hơn 450 kg gạo giúp đỡ nhân dân Hà Nội, 2,8 triệu đồng ủng hộ nhân dân miền Nam…
Danh sách ủng hộ phòng, chống Covid-19 của nhân dân thôn Cây Đa 2. Ông Chu Văn Minh trao ủng hộ
cho các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và nông sản ủng hộ nhân dân miền Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết