Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, kho báu văn hóa xứ Tuyên dần được đánh thức, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số đã tự học hỏi, tìm ra cách làm riêng để văn hóa dân tộc mình vươn xa bằng con đường du lịch.
Ngày Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc người Dao xã Trung Hà (Chiêm Hóa) ra mắt, thầy Bàn Văn Minh thực hiện đủ nghi lễ từ việc treo tranh thờ, mời gọi Ngọc Hoàng bằng tù và, bày biện nghi lễ báo cáo tổ tiên một cách cẩn trọng. Từ sáng sớm, người già đến người trẻ ở Trung Hà, đến kín cả hội trường nhà văn hóa xã. Với người dân nơi đây, đó là sự kiện lớn, mong đợi bao lâu của bản làng. Những nét văn hóa như thêu thùa, chấm váy in hoa văn bằng sáp ong, lễ cấp sắc, chữ viết, tiếng nói… được phục hồi, bản sắc người Dao được “sống lại” sau bao năm lãng quên. Thế nhưng, chuyện vui không dừng lại đó! Từ những nét văn hóa đặc sắc và sự hoang sơ, kỳ bí của khung cảnh thiên nhiên bản địa, nơi đây đã trở thành điểm hẹn du lịch của du khách gần xa đến khám phá.
Có thể thấy rằng, cái bắt tay giữa văn hóa và du lịch đã tạo nên được hiệu ứng tích cực cho nhiều địa phương ở Tuyên Quang. Và để cái bắt tay đó có được kết quả tốt, là cả một quá trình. Trong đó, việc phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là gốc rễ của sự phát triển bền vững. Cách làm này được coi là một mũi tên trúng hai đích, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển du lịch một cách hài hòa, ổn định nhất.
Trẻ em thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) tập hát then, đàn Tính.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhận thấy ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ vậy, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, trở thành món ăn tinh thần độc đáo của người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn… Không chỉ diễn ra ở quy mô cấp huyện mà tại các xã, lễ hội cũng được tổ chức hàng năm như Lễ hội Lồng tông Bản Cuống, xã Minh Quang (Chiêm Hóa), Lễ hội Cầu mùa, xã Tân Trào (Sơn Dương), Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (Tuyên Quang)… Đây là những điểm hẹn quen thuộc đối với du khách thập phương vào dịp đầu năm mới.
Bên cạnh đó, tại các bản làng, các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa đã vào cuộc để mở các lớp học chữ, thêu thùa, dạy tiếng nói dân tộc mình, khơi gợi tình yêu bản sắc văn hóa trong người trẻ. Cùng với sự khuyến khích từ phía chính quyền địa phương, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa ra đời.
Câu lạc bộ hát Sình Ca người Cao Lan xã Thắng Quân (Yên Sơn).
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của người Cao Lan, 50 câu lạc bộ sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc... Những tiết mục cây nhà lá vườn của các đội văn nghệ, câu lạc bộ đã trở thành đặc sản để tiếp đón du khách khi đến với bản làng.
Với những bước đi đó đã dần thay đổi tư duy của người dân trong bảo tồn văn hóa một cách quy củ để phát triển du lịch bền vững, từng bước biến các di sản trở thành nguồn lực để làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trong dịp Lễ hội thành Tuyên, tôi được gặp gỡ và đồng hành cùng ông bà David Osborne và Karen Osborne (quốc tịch Newzaland). Trong chuyến du lịch các nước Đông Nam Á, ông chọn Việt Nam là điểm đến. Và đặt chân đến Tuyên Quang, ông bà David và Karen thích thú khám phá và trầm trồ trước sự hoành tráng của những mô hình đèn lồng khổng lồ… Ông David cho hay, du lịch muốn thu hút là phải tạo ra sự khác biệt, độc đáo, cái mà nơi khác không có. Và Tuyên Quang có nhiều điều thú vị, độc đáo để du khách khám phá, cảm nhận. Ngay từ lễ hội trung thu, du khách đã thấy sức sáng tạo của con người nơi đây.
Ông bà David Osborne và Karen Osborne (Quốc tịch Newzaland) trải nghiệm các mô hình tại Lễ hội Thành Tuyên.
Tuyên Quang có nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh, đó là du lịch lịch sử, văn hóa với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích lịch sử Đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa)... Hiện nay, Tuyên Quang có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là địa chỉ đỏ về nguồn của người dân cả nước và điểm đến của du khách nước ngoài.
Giá trị văn hóa các dân tộc được phát huy, trong đó nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng. Tuyên Quang có Lễ hội thành Tuyên trở thành niềm tự hào của quê hương. Lễ hội có nhiều nét độc đáo, được mệnh danh là lễ hội có một không hai trên thế giới. Mỗi năm có sự đầu tư quy mô, liên tục có sự đổi mới, sáng tạo thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sức cuốn hút từ các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn mời gọi du khách thập phương như: Lễ hội Lồng tông, Lễ hội nhảy lửa, Lễ hội động Tiên….
Từ sự đa dạng phong phú của các đình, đền, chùa thì du lịch tâm linh cũng là một thương hiệu của du lịch xứ Tuyên. Hàng năm, tỉnh Tuyên Quang đã đón số lượng lớn khách hành hương, chiêm bái chùa chiền, khẳng định được thương hiệu vùng đất thiêng, miền đất mẫu.
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa của người dân Lâm Bình.
Từ các sản phẩm du lịch gắn liền với lịch sử, văn hóa đặc sắc, xứ Tuyên đã kết nối với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, du lịch cộng đồng homestay. Trong đó, loại hình du lịch đặc trưng, tạo được điểm nhấn ở Tuyên Quang đó là du lịch cộng đồng.
Hiện nay, các huyện, thành phố đã xây dựng và hình thành một số điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm như: Điểm du lịch cộng đồng Nà Tông, xã Thượng Lâm; Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình); Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); Tân Lập, Tân Trào (Sơn Dương)… Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, trên địa bàn huyện, các điểm du lịch cộng đồng được xây dựng theo quy tắc giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Đây chính là bước đi vững chắc để phát triển văn hóa, du lịch một cách hài hòa, bền vững.
Có thể thấy, các sản phẩm du lịch của tỉnh Tuyên Quang đã được phát triển theo hướng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn. Ngành du lịch Tuyên Quang luôn xác định việc làm mới các sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có chính là bước đi hiệu quả, lâu dài và hút khách.
Sức mạnh truyền thông có khả năng tác động đến giá trị thương hiệu, có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách du lịch. Do đó để tạo được sức lan tỏa, ngành du lịch Tuyên Quang đã tăng cường quảng bá. Trong đó, chú trọng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC, Tạp chí Du lịch, Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tuyên Quang để quảng bá thương hiệu, xây dựng video clip, phim ca nhạc, phim tài liệu, phóng sự, tin bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Xác định Internet là một trong những phương tiện truyền thông hiệu quả, các đơn vị quản lý văn hóa, huyện, thành phố thành lập các trang website để quảng bá du lịch. Điển hình như: dulichtuyenquang.gov.vn, lehoithanhtuyen.vn. Đặc biệt, doanh nghiệp, nhà quản lý du lịch và du khách có thể cập nhật và tìm kiếm thông tin du lịch dễ dàng qua địa chỉ https://MyTuyenQuang.vn. Đây là cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch tỉnh Tuyên Quang.
Văn hóa Tuyên Quang quảng bá trên khênh Youtube và một cảnh quay MV ca nhạc tại Na Hang.
Sự phát triển của công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội và mạng xã hội trở thành mảnh đất “vàng” để ngành du lịch khai thác và phát huy hết giá trị. Du lịch Tuyên Quang cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các trang fanpage, facebook quảng bá du lịch của tỉnh và của các huyện, thành phố được thành lập. Điển hình như fanpage: Lễ hội thành Tuyên, Du lịch Na Hang, Du lịch Lâm Bình, Du lịch Sơn Dương… Các trang fanpage quảng bá địa điểm du lịch, những review của du khách, kinh nghiệm du lịch, video clip… nhận được nhiều lượt like, chia sẻ, bình luận tích cực.
Ngoài ra, trên mạng xã hội youtube, những bạn trẻ người Tày, Dao… bản địa cũng tìm cách quảng bá văn hóa du lịch thông qua các video thực tế. Nhiều kênh nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt đăng ký theo dõi như: “Anh em miền núi”, “Đôi đũa tre”, “Đông Bắc quê tôi”, “Giấc mơ xanh”… Với những video thu hút nhiều người xem góp phần quảng bá hình ảnh quê hương một cách bình dị, chân thực nhất.
Văn hóa dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang được quảng bá tại Hà Nội.
Nếu như những năm trước, tiềm năng du lịch Tuyên Quang được ví là “nàng công chúa ngủ trong rừng” thì ngày hôm nay nàng công chúa đã dần bừng tỉnh. Đó là nhờ sự “đánh thức” tiềm năng văn hóa gắn với du lịch theo cách làm và bước đi hiệu quả. Từ đó, dần hình thành thương hiệu trong từng sản phẩm du lịch, tạo dựng trong lòng du khách một hình ảnh xứ Tuyên tươi đẹp, đầy sức sống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết