Bài 2: Liên kết hình thành cứ điểm ngành gỗ

 

Rừng được ví như những kho vàng xanh” của đồng bào Tuyên Quang. Rừng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường, khí hậu, rừng cũng là nguồn thu nhập chính của người dân. Có được kết quả này, là nhờ những chuỗi liên kết bền chặt, cái bắt tay 4 nhà” để người dân yên tâm bám rừng, làm giàu.

____________

Thành lập Hợp tác xã tham gia vào nhiệm vụ cấp chứng chỉ rừng từ năm 2017, nhận thấy vùng nguyên liệu dồi dào, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Huy, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) Nịnh Văn Lìn quyết định xây dựng một xưởng chế biến gỗ để cung cấp cho nhà máy chế biến của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Xưởng sản xuất sử dụng hoàn toàn gỗ nguyên liệu đã được cấp chứng chỉ FSC, và sẽ là xưởng chế biến gỗ đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn FSC-CoC – chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm rừng.

Cũng ở Yên Sơn, 160 hộ dân ở thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn có hơn 500 ha rừng sản xuất. 5 năm trở lại đây, phong trào trồng rừng ở thôn được bà con ủng hộ nhiệt tình. Rừng cũ khai thác đến đâu, cây mới trồng vào đến đấy. Tính ra, nguồn thu từ rừng ở đây mỗi năm không dưới chục tỷ đồng. Trưởng thôn Đồng Cướm Triệu Đình Thìn bảo, sở dĩ nguồn thu từ rừng ở Đồng Cướm đạt cao như vậy là nhờ bà con trồng rừng gỗ lớn. Thay vì bán rừng khi 6 - 7 năm tuổi, bà con nơi này giữ rừng đến 14 - 15 năm tuổi mới bán. Diện tích rừng đang trong độ tuổi khai thác đa phần là cây mỡ.

Năm vừa rồi, nhiều hộ gia đình thu cả trăm triệu đồng từ bán rừng, có những hộ thu gần nửa tỷ đồng. Như gia đình bà Triệu Thị Bích Tuyến thu về 440 triệu đồng từ tiền bán 2 ha rừng; gia đình các anh Triệu Văn Duyên, Hoàng Văn Phương, Triệu Văn Cảnh…, mỗi hộ bán hơn 1 ha cũng thu từ 100 - 200 triệu đồng. Nhận thấy nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, năm 2019, anh Thìn quyết định thành lập một xưởng chế biến gỗ ngay tại gia đình. Sản phẩm chính của cơ sở là ván ép, ván bóc… anh nhận gia công cho một doanh nghiệp ở Phú Thọ để xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Chính vì thế, yêu cầu về nguồn gốc lâm sản được đơn vị thu mua đặt lên hàng đầu. Ngoài nguồn nguyên liệu của người trồng rừng trong xã, anh mở rộng thu mua sang một số xã lân cận, tất cả đều là gỗ rừng trồng của người dân. 

Ảnh 1: Rừng gỗ lớn của người dân thôn Đồng Cướm

Ảnh 2, 3: Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Triệu Đình Thìn

Với lợi thế về đường giao thông, nguồn nguyên liệu dồi dào, xã Minh Quang (Lâm Bình) phát triển mạnh các cơ sở chế biến lâm sản. Hiện xã có 3 cơ sở chế biến lâm sản lớn, tiêu thụ gần 1,5 nghìn m3 gỗ mỗi tháng, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương. Anh Phạm Văn Khánh, thôn Bình Minh cho biết, năm 2017 anh đầu tư máy móc mở xưởng bóc ván gỗ kết hợp băm dăm mảnh. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ ván bóc ổn định, năm 2018 anh mở thêm 1 xưởng bóc ván. Mỗi tháng cơ sở thu mua gần 1 nghìn m3 gỗ nguyên liệu cho người dân trong vùng, xuất bán khoảng 300 m3 ván bóc. Hiện cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, Tuyên Quang là tỉnh có diện tích rừng trồng đứng thứ 2 khu vực miền múi phía Bắc, với trên 180 nghìn ha; sản lượng gỗ khai thác giai đoạn 2016-2020 đạt trên 4,2 triệu m3. Sản lượng này, ngoài đáp ứng đủ nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy chế biến gỗ lớn, còn đủ đáp ứng cho gần 400 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản nhỏ lẻ trải dài khắp tỉnh. Các xưởng gỗ vệ tinh sử dụng các loại gỗ có vanh nhỏ, thậm chí tận dụng phụ phẩm từ các nhà máy chế biến lớn để sản xuất. Gọi là vệ tinh, nhưng giá trị từ các xưởng chế biến này mang lại rất lớn, khi giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Sản phẩm cung cấp cho các nhà máy chế biến lớn trong và ngoài tỉnh.

 

Người trồng rừng ở Tuyên Quang giờ không làm rừng tự phát nữa. Nhà khoa học nghiên cứu, tìm kiếm đưa vào trồng những giống cây lâm nghiệp tốt nhất, nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và bao tiêu sản phẩm. Mối liên kết 4 nhà đang ngày càng bền chặt.

Hai "ông lớn” trong ngành chế biến gỗ ở Tuyên Quang hiện nay là Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang và Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Ngoài việc đảm bảo vùng nguyên liệu, hiện nay chính các doanh nghiệp này cũng đã chủ động đầu tư cho người trồng rừng Tuyên Quang theo mô hình liên doanh, liên kết tạo thành chuỗi khép kín, sản phẩm khai thác được phân chia theo tỷ lệ góp vốn đầu tư và cung ứng cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh. Cú bắt tay này đã tạo ra những vùng nguyên liệu ổn định, rộng lớn, là điều kiện để các doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô, công suất các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Là doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và Tập đoàn AIKEA – tập đoàn đồ gỗ nội thất hàng đầu châu Âu, yêu cầu bắt buộc đối với nguyên liệu sản xuất của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang là phải chứng nhận được nguồn gốc sản phẩm. Để làm được điều này, Công ty đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ rừng FSC cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, với diện tích  18.017 ha rừng trồng. Sau Nhà máy chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Thắng Quân với tổng diện tích hơn 28 ha. Vừa rồi, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tiếp tục xây dựng thêm Nhà máy Chế biến gỗ Chiêm Hóa tại Cụm công nghiệp Phúc Thịnh, với diện tích 29 nghìn m2 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3 – 2022. Toàn bộ nguyên liệu cho các nhà máy, doanh nghiệp chủ động hướng dẫn kỹ thuật, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và hàng nghìn hộ trồng rừng sản xuất nguyên liệu và được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Theo ông Khánh, đánh giá của các bạn hàng, chất lượng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của công ty đã vượt xa các nước có sản phẩm gỗ xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á và đứng vào tốp đầu của thế giới. Phản hồi của bạn hàng là động lực để doanh nghiệp yên tâm gắn kết đầu tư, nỗ lực xây dựng thương hiệu gỗ FSC mang tên Tuyên Quang.

Theo ông Nguyễn Văn Anh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa, việc phát triển nguồn nguyên liệu được xem là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy. Với những đầu tư về trang thiết bị máy móc hiện đại cùng việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, nhiều năm qua, Giấy An Hòa không chỉ là đơn vị có công suất sản xuất bột giấy và giấy cao cấp lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp tiên phong giải bài toán khó về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu giấy. Nằm trong chiến lược dài hạn, giai đoạn 2016-2021:

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Triệu Đăng Khoa khẳng định, với vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, mục tiêu của Tuyên Quang là tất cả các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản đều sẽ được hưởng lợi từ rừng. Rừng trồng gỗ lớn và có chứng nhận FSC ưu tiên xuất bán cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu như Woodsland; rừng gỗ nhỏ là 8 nhà máy chế biến còn lại; những phụ phẩm của gỗ rừng gần như không có thứ gì bỏ đi. Ông Khoa minh chứng, cành, ngọn hiện đang được các cơ sở nhỏ thu mua để băm dăm; vỏ, phai mùn được các nhà máy sản xuất điện sinh khối tận dụng triệt để. Mùn cưa, gỗ thải từ các nhà máy chế biến lại được các doanh nghiệp sản xuất viên gỗ nén trên địa  bàn tận dụng...

Công ty cổ phần thương mại – sản xuất – xuất khẩu Phúc Lâm, Cụm công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) những ngày cuối năm 2021 không khí sản xuất tấp nập. Ông Lê Hoài, Giám đốc Công ty cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ trồng rừng của Tuyên Quang, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị được đảm bảo ổn định, doanh nghiệp cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thêm các sản phẩm mới, từ sản phẩm ban đầu là phong bì sang đũa gỗ tách xuất khẩu sang Nhật. Sau hơn 15 năm hoạt động, vùng nguyên liệu của đơn vị này cũng được mở rộng dần từ Chiêm Hóa ra các huyện Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình và các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn.

Đối với những sản phẩm mới hay những doanh nghiệp chế biến mới gia nhập thị trường, ngành nông nghiệp, ngành công thương thực hiện hỗ trợ qua các hoạt động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ thông qua các hội chợ nông nghiệp và thương mại. Qua đó, các sản phẩm giấy, bột giấy, ván dán, ván sàn, đũa  của Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy... đã xuất khẩu sang những thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan.