“Đón đầu” chủ trương của tỉnh
Tỉnh ta đang dồn sức xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, hoàn thiện, nâng cấp các tuyến phố theo hướng hiện đại, bảo đảm giao thông, đô thị thực sự là khâu đột phá để phát triển. Ngành Giao thông - Vận tải và các huyện, thành phố đang hoàn thiện các thủ tục khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, tiến hành bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, rải thảm các tuyến phố thành phố Tuyên Quang, các huyện lỵ trong tỉnh.
Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã “đón đầu” chủ trương lớn của tỉnh, tổ chức thi công công trình chất lượng, hiệu quả để những con đường trở thành động lực cho sự phát triển. Công ty TNHH Hiệp Phú hiện đang thi công nhiều công trình quan trọng như rải thảm đường Trường Chinh (TP Tuyên Quang), thi công cầu Trinh, xã Vinh Quang và hồ Nong Mò, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) với hàng trăm công nhân tham gia xây dựng. Trên các công trường, đội ngũ công nhân tất bật với công việc, ánh lên niềm vui khi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng với những chủ trương lớn của tỉnh, sự năng động của công ty, anh em công nhân, người lao động vẫn có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, tạo niềm tin sâu sắc vào sự phát triển của quê hương. Anh Nguyễn Văn Tùng, công nhân thi công cầu Trinh cho biết, hiện anh em công nhân đang thực hiện các phần việc, phấn đấu đến tháng 8-2021 cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Cầu có chiều dài hơn 100 m, rộng 7,5 m bắc qua suối Trinh sẽ mở ra cơ hội lớn cho giao thương hàng hóa giữa phố Trinh với các thôn và kết nối hàng hóa với thị trấn Vĩnh Lộc và các địa phương.
Vượt qua khó khăn do đại dịch Covid
Khí thế thi đua lao động sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp diễn ra sôi nổi, rộn rã để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính Nhân sự, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa cho biết, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động, công ty đã tổ chức hội thao trong công nhân, người lao động với các môn thi đấu như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền hơi, kéo co thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân, người lao động trong nhà máy. Hoạt động này thực sự là chất xúc tác để hơn 800 lao động của đơn vị chung sức, đồng lòng thực hiện tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021. Năm nay, nhà máy phấn đấu sản xuất 146 nghìn tấn bột giấy, 110 nghìn tấn giấy các loại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là ở Ấn Độ, thị trường truyền thống của nhà máy nhưng với sự nhạy bén và năng động, nhà máy đã tìm hướng xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông, khai thác thị trường nội địa, do đó quý I-2021 công ty vẫn cung ứng ra thị trường trên 40 nghìn tấn bột giấy và trên 22 nghìn tấn giấy, ổn định việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương gần 40 tỷ đồng.
Các nữ công nhân công ty may Công ty TNHH Seshin Vn2 tại Khu Công nghiệp Long Bình An trong giờ làm việc.
Anh Trần Văn Mạnh, công nhân phân xưởng bột, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa phấn khởi cho biết, môi trường làm việc của nhà máy ngày càng tốt hơn, công nhân có việc làm ổn định, thu nhập ngày một tăng. Đến nay, công nhân, người lao động trong công ty có thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/tháng, được tham gia đầy đủ BHXH, BHYT và quyền lợi về bảo hộ lao động. Vừa rồi, anh em công nhân được tham gia giải thể thao chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, ai cũng phấn khởi lắm, xây dựng mối quan hệ gắn bó đồng nghiệp, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.
Trên các công trường, nhà máy rộn tiếng hát ca, nhân lên niềm tin vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Thế giới, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á đang phải gồng mình chống lại sự hoành hành của dịch bệnh, thì tinh thần, khí thế thi đua lao động sản xuất của đội ngũ công nhân, lao động trong tỉnh là mạch nguồn để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang chia sẻ, càng khó khăn càng phải khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của công nhân, lao động để đưa công ty vượt qua sóng cả, chung tay xây dựng quê hương cách mạng ngày càng phát triển. Các sản phẩm tinh chế từ gỗ rừng trồng của công ty được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, EU, tạo việc làm cho gần 2.500 lao động. Tới đây, công ty tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy thêm 30 ha, phát triển thêm ngành du lịch để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chị Nguyễn Thương làm việc tại Nhà máy ván dán Yên Sơn phấn khởi nói, người lao động rất yên tâm khi làm việc tại công ty, ai cũng nỗ lực để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chung tay để đưa công ty phát triển, khi đó cuộc sống của người lao động sẽ khá hơn nhiều.
Chung tay vượt qua khó khăn, đó là giá trị bản lĩnh của công nhân, người lao động ở các công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh để góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết