Bài cuối: Vietcombank đấu tranh, chống gian lận giao dịch tài chính điện tử

- Cùng với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, những lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng với tốc độ khoảng 300% mỗi năm. Trong các cuộc tấn công này, ngân hàng là một trong những đích ngắm thường xuyên của tội phạm mạng. Bảo đảm an toàn trong giao dịch tài chính, Vietcombank Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp, ngăn chặn, phòng, chống gian lận, bảo đảm tài sản cho khách hàng.

Chi bộ Vietcombank Tuyên Quang: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Những kẻ lừa đảo thường mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và các giao dịch của khách hàng… yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng và liên quan đến tài khoản, thẻ, số dư… Sau đó kẻ lừa đảo sẽ thông báo gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn, thực ra đây là mã OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến. Khách hàng thực hiện theo yêu cầu sẽ mất tiền trong tài khoản. Đây là thủ đoạn không mới nhưng đã có rất nhiều khách hàng bị lừa do ít va chạm với các thông tin cảnh báo của ngân hàng hoặc do nhận thức chưa đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của việc cung cấp thông tin.

Cán bộ Vietcombank hướng dẫn khách hàng nhận diện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Lấy danh nghĩa nhân viên ngân hàng, các đối tượng còn mạo danh nhân viên các cơ quan có thẩm quyền như: Cảnh sát giao thông, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo khách hàng đang liên quan đến 1 vụ án… từ đó dọa nạt, thao túng tâm lý khách hàng yêu cầu khách hàng chuyển tiền để nộp phạt hoặc nộp tiền để chứng minh mình không liên quan.

Với chiêu thức sử dụng các ứng dụng di động giả để lừa đảo khách hàng, kẻ gian tạo một ứng dụng tương tự như ứng dụng gốc của các ngân hàng và gửi lên cửa hàng Google Play. Khi khách hàng vô tình tải xuống và cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động và cấp các quyền cần thiết thì ứng dụng sẽ bắt đầu gửi dữ liệu nhạy cảm để cho phép những kẻ lừa đảo rút tiền từ tài khoản của nạn nhân.

Một hình thức khác, đối tượng lừa đảo chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link để kiểm tra giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, OTP. Sau đó, chúng chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập website mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử các giao dịch và tài khoản ngân hàng. Ngoài ra còn những chiêu thức gửi thư điện tử giả mạo, chuyển nhầm tiền vào tài khoản, giả danh các công ty tài chính…

Tờ gấp được Vietcombank cung cấp cho khách hàng về các nguyên tắc bảo mật thông tin.

Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tuyên Quang), tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các nền tảng công nghệ đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong khu vực tài chính, ngân hàng. Thời điểm cuối năm khi các giao dịch tài chính gia tăng cũng là lúc các đối tượng lợi dụng để hoạt động. Bằng các chiêu thức rất quen thuộc, giả danh lực lượng chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Hải quan... để dọa nạt gây sức ép đối với các tổ chức, cá nhân hòng chiếm đoạt tài sản và người lớn tuổi là mục tiêu để các đối tượng lừa đảo nhắm đến. Bởi nhiều người lớn tuổi có một khoản để phòng thân, nhưng trình độ về công nghệ hạn chế lại lo ngại ảnh hưởng đến con cái.

Vietcombank Tuyên Quang khuyến cáo, hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng hoàn toàn chủ động trong các giao dịch trên các ứng dụng ngân hàng điện tử. Đảm bảo an toàn tài chính, người dân, khách hàng tuyệt đối không thông tin: Căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu OTP; thận trọng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng điện tử. Trong trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, phải thông báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp điều tra, xử lý.

Vietcombank tiếp tục phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tuyên Quang), các sở, ngành chức năng của tỉnh, các đơn vị quản lý dịch vụ mạng… đẩy mạnh tuyên truyền, gửi thông tin đến điện thoại cá nhân về thủ đoạn của tội phạm để người dân cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời, cơ quan công an đề nghị người dân khi có dấu hiệu nghi vấn phải báo ngay cơ quan công an, không sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không tham gia các giao dịch ảo... Từ nay đến cuối năm sẽ có những chiêu trò: tặng quà, tri ân khách hàng... các đối tượng dẫn dắt người dân vào các tổ, nhóm, hội trên mạng xã hội với lời quảng cáo đường mật, đầu tư sinh lời cao, kinh doanh không cần mặt bằng... khi người dân tin tưởng hợp tác chúng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy người dân, khách hàng phải thực sự cảnh giác.

Nguyễn Hải Cương           

Vietcombank Tuyên Quang       

Tin cùng chuyên mục