Hàng nghìn việc đột phá, đổi mới được giao
Quy định số 30-QĐ/TU ngày 20/5/2020 về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là quy định mới, tạo môi trường rèn luyện cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và tăng tính chủ động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ. Thực hiện Quy định, năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao 51 việc cho 22 đồng chí; năm 2021, 2022 và giai đoạn 2021 - 2025, đã giao 266 việc cho 78 đồng chí; năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện 219 việc cho 78 đồng chí.
Nhiều cấp ủy, địa phương, việc đột phá không chỉ được giao cho người đứng đầu, lãnh đạo quản lý mà giao cho tất cả công chức, viên chức, cán bộ. Từ năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Tuyên Quang đã mở rộng giao việc đến các đồng chí phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, cấp phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị. Năm 2023 Ban Thường vụ Thành ủy Tuyên Quang giao cho 137 cán bộ với 192 việc theo chức trách, nhiệm vụ và lĩnh vực công tác.
Đảng bộ huyện Yên Sơn có trên 600 việc đột phá, đổi mới được giao cho tập thể, cá nhân với hàng loạt yêu cầu cụ thể về chất lượng, tiến độ hoàn thành. Hay như xã Nhân Lý (Chiêm Hóa), 47 cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ bán chuyên trách đều được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ đột phá trong năm 2023.
Qua tổng kết cho thấy, đến nay, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã giao 3.853 việc đột phá, đổi mới cho 1.452 cán bộ theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ.
Đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông (Na Hang) vận động Nhân dân thôn Pắc Củng phát triển cây chè Shan tuyết, giúp giảm nghèo.
Như vậy có thể nói, thực hiện Quy định giao việc đột phá, đổi mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bước sang năm thứ 3 có sự mở rộng đến nhiều đối tượng theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Hầu hết Ban Thường vụ, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề cao tinh thần chủ động tìm việc khó và giao việc khó, việc mới cho cấp dưới hoặc tổ chức thuộc quyền triển khai thực hiện. Những việc được giao đều được lựa chọn đăng ký từ thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị, tập trung vào những việc có tính đột phá, việc mới, việc khó, việc tồn tại, cấp bách, như: giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới, công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ...
Các đồng chí được giao việc mới, đột phá đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có cán bộ được giao việc cũng coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm chung; thống nhất mục tiêu, xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, đưa ra những giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức và cá nhân.
Nhiều việc khó đã được giải quyết
Thực hiện Quy định số 30-QĐ/TU, những cán bộ được giao việc đột phá, đổi mới đã chủ động, tích cực, quyết liệt, có quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao; một số đồng chí có cách làm sáng tạo, xử lý vấn đề phù hợp với thực tiễn và đã đạt được kết quả bước đầu với những "sản phẩm" cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác ở địa phương, đơn vị. Qua thực tế triển khai, rất nhiều phần việc được hoàn thành xuất sắc. Cụ thể, năm 2021, có 81/244 việc hoàn thành xuất sắc. Năm 2022 có 40/219 việc hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, 11 phần việc đã hoàn thành trước kế hoạch đề ra của cả giai đoạn.
Có rất nhiều việc khó, tồn đọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã được giải quyết, điển hình như trong lĩnh vực an ninh trật tự, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn, góp phần ổn định an ninh trật tự, người dân yên tâm lao động sản xuất. Trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn đã giải quyết tất cả các "điểm nóng" giải phóng mặt bằng để phục vụ cho việc phát triển Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đường, dự án mở rộng khu xử lý rác xã Nhữ Khê. Việc giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; tiến độ xây dựng các dự án đã đạt đúng kế hoạch đề ra.
Thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo huy động các nguồn lực, hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn. Trong đó, đến hết năm 2022, huyện Sơn Dương đã huy động các nguồn lực hỗ trợ 1.147 nhà.
Ở cấp xã, nhiều lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đăng ký việc đột phá, đổi mới trong lĩnh vực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương công cuộc xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong thực hiện tiêu chí giảm nghèo. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh năm 2021 đạt 44,3%, năm 2022 đạt 50,8%, ước năm 2023 đạt 60,6%. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,55%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (mục tiêu giảm bình quân 2 - 2,5%/năm).
Nhiều thành tích mới được tạo lập một cách ấn tượng từ việc mới, đột phá. Qua đó, dư luận xã hội bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận một cách làm thiết thực, hiệu quả. Khi nơi nào càng có nhiều việc khó được giải quyết hiệu quả thì nơi ấy chắc chắn sẽ đạt thêm những thành tích mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nói cách khác, đây cũng là quá trình tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của đội ngũ những người đứng đầu các cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết