Ngày 26-10-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh nhận được văn bản kiến nghị khởi tố vụ việc: trên mạng xã hội có 2 trang Fanpage Facebook “Dân oan và nhà báo”, “Dân Oan Thủy Điện” và kênh Youtube “TIẾNG DÂN TV Lê Hà” thường xuyên đăng tải, chia sẻ các thông tin có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kèm theo văn bản là 23 đĩa CD-R, trong đó: 22 đĩa chứa 22 file video có âm thanh, hình ảnh được thu thập từ kênh Youtube “TIẾNG DÂN TV Lê Hà” và 1 đĩa sao lưu 14 bài viết được coppy từ các trang Facebook “Dân oan và Nhà báo”, “Dân Oan Thủy Điện”.
Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Mạnh Hà.
Quá trình vào cuộc điều tra đã xác định, năm 2004, thực hiện chương trình di dân tái định cư dự án Thủy điện Tuyên Quang, bị cáo Lê Mạnh Hà và gia đình được chuyển từ xã Vĩnh Yên (Na Hang) về thôn 23, xã Kim Phú (TP.Tuyên Quang) sinh sống. Do không đồng tình với việc đền bù tái định cư, nên Hà thường xuyên đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh và Trung ương để khiếu kiện, đồng thời Hà còn lôi kéo một số người dân trong và ngoài tỉnh khiếu kiện liên quan đến việc bồi thường đất đai trong các dự án di dân, tái định cư. Năm 2018, Hà tự tạo lập, quản trị, sử dụng kênh Youtube “Tiếng dân TV Lê Hà” đăng tải, bình luận, chia sẻ các video có nội dung liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách đền bù thuộc các dự án Thủy điện Tuyên Quang và Thủy điện Chiêm Hóa, qua đó lợi dụng lồng ghép các nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây áp lực cho các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan. Tính đến ngày 12-1-2022, Hà đã tự làm, đăng tải khoảng 400 video lên kênh Youtube của mình, tiếp đó, năm 2019, Hà tiếp tục tạo lập, quản trị và sử dụng Fanpage Facebook “Dân oan Thủy điện” và năm 2020 lập thêm Fanpage Facebook “Dân oan và Nhà báo”. Các video, bài viết được đăng tải, chia sẻ nêu trên thể hiện nội dung xuyên tạc lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thành quả cách mạng, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đả kích, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam; cổ súy các quan điểm chống Đảng Cộng sản của các thế lực thù địch, phản động; có lời lẽ xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Mạnh Hà đã khai nhận các bài viết của Hà đều do xem, đọc từ Facebook hoặc các trang mạng xã hội, thấy có nội dung phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam như tệ tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, những bất cập trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản của đất nước, vấn đề đền bù đất cho dân tái định cư không được thỏa đáng, một bộ phận người dân thiếu niềm tin với các đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, vấn đề giáo dục, y tế, nhận thức của giới trẻ hiện nay về tự do, dân chủ... phù hợp với suy nghĩ, quan điểm của mình, nên Hà đã coppy về và đăng lên Facebook cá nhân hoặc chia sẻ. Ngoài ra Lê Mạnh Hà còn tàng trữ 1 quyển sách “Tế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của Phạm Chí Thành (Hà Nội) trong đó có 21 bài viết chứa nội dung tuyên truyền, phỉ báng chính quyền nhân dân (hành vi biên soạn cuốn sách này của Thành đã bị xét xử về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, căn cứ vào kết quả điều tra cũng như quá trình tiến hành tố tụng, đủ cơ sở để truy tố Lê Mạnh Hà về tội danh: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tội danh này quy định tại khoản 1- Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử thấy hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đi ngược lại với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, làm mất an ninh chính trị tại địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, cần áp dụng một mức hình phạt tù nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội bị cáo nhằm trừng trị, cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, đồng thời để phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội. Áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế bị cáo một thời gian nhất định sau khi chấp hành xong hình phạt tù để buộc bị cáo phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở địa phương dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Bị cáo Lê Mạnh Hà đã phạm vào tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” căn cứ theo khoản 1 Điều 117; Điều 122; điểm g, khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lê Mạnh Hà 8 năm tù, phạt quản chế bị cáo tại nơi cư trú, thời hạn 5 năm, kể từ ngày bị cáo chấp hành xong hình phạt tù.
Gửi phản hồi
In bài viết