“Khâu” đoàn kết bằng văn hóa
Anh Phương tự hào bảo, có Bản Bung khang trang của ngày hôm nay phải nhắc đến sự đoàn kết của người dân và được gây dựng từ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Trưởng thôn Ma Văn Phương năm nay vừa tròn 40 tuổi, đã có thâm niên “vác tù và hàng tổng” được 5 năm. Ngày xưa, nhắc đến Bản Bung là nhắc đến nơi không đường, không điện, không nước sạch, với 5 dân tộc anh em sinh sống gồm Tày, Dao, Kinh, Mông và La Ha. Đời sống bao năm vẫn quẩn quanh làm bạn với cái đói, cái nghèo. Anh nhớ lại, những hôm không trăng, nhìn Bản Bung nhà nào cũng le lói cây đèn dầu, tiếng khỉ kêu, vượn hót nhiều hôm làm con người cũng cảm thấy rờn rợn.
Nhà văn hóa thôn Bản Bung hoàn thành cuối năm 2023.
Là người trẻ, anh Phương suy nghĩ, muốn làm việc lớn thì cần có sự gắn kết các hộ gia đình, các dân tộc với nhau và sợi dây nối chính là phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Với đặc điểm người Tày và Dao chiếm đến 90% dân số nên phải bắt đầu từ 2 dân tộc này.
Ngày đó trong thôn có bà Nông Thị Vy được coi là kho tàng sống của văn hóa dân tộc Tày, với vai trò là trưởng thôn, anh Phương chủ động tuyên truyền, khéo léo vận động bà Vy đứng ra mở lớp trao truyền những làn điệu hát Then, cách chơi đàn Tính cho người Tày trong thôn. Đến cuối năm 2018, Bản Bung đã có đội văn nghệ đầu tiên.
Ai cũng biết, người Dao có điệu hát Páo dung như mạch nguồn chảy mãi của dân tộc, với cách làm tương tự, trưởng thôn trẻ tuổi đã mời được ông Đặng Văn Biên đứng ra dạy lại cho người dân. Ông Biên nay đã già nhưng chị Đặng Thị Mụi, học trò của ông vẫn nhớ như in hình ảnh thầy mình lúc đó đã gần 80 tuổi vẫn lặn lội đến từng nhà người Dao vận động đi học. Chị bảo, có lớp truyền dạy của ông Biên mà nhiều người trong thôn đã biết hát nhuần nhuyễn các điệu hát Páo dung, từ nhịp cầu âm nhạc, tình đoàn kết người dân được nâng lên, ai cũng mong muốn cùng nhau bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc mình.
Những đổi thay nơi miền sơn cước
Con đường bê tông dài 7 km nối từ thôn Yên Thượng lên thôn Bản Bung mất 3 năm mới hoàn thành. Năm 2018, Bản Bung được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông, ngày đó xe ô tô chở vật liệu không lên được thôn, người dân dùng sức mình “cõng” cát về làm đường, trung bình mỗi người dân đã cõng hàng chục khối cát. Giữa năm 2021, con đường hoàn thành, cùng năm đó điện lưới quốc gia kéo vào đến thôn, Bản Bung le lói hôm nào nay bừng sáng giữa đại ngàn, mơ ước bao đời của người dân đã thành hiện thực.
Cuối năm 2023, nhà văn hóa thôn Bản Bung được đưa vào sử dụng, nhà văn hóa phỏng theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào Tày nơi non cao, nổi bật với gam màu vàng, vách bưng gỗ cùng những chi tiết cầu kỳ. Anh Phương hồ hởi, nhà văn hóa này rộng 200 m2, có 5 hộ hiến đất, ai đến tham quan cũng bảo nhà văn hóa này đẹp nhất huyện Na Hang.
Cựu giáo chức Nông Thị Hoài là người tiên phong hiến 500 m2 đất canh tác để làm nhà văn hóa, ngày trước làm đường bê tông trong thôn bà cũng chủ động hiến 2.000 m2 đất, nay làm nhà văn hóa, vẫn tiên phong đi đầu. Bà Hoài bảo, nhìn thương lái tận dưới miền xuôi lên thu mua nông sản cho người dân với giá cao hơn trước, bà cảm thấy mãn nguyện.
Là một trong 2 hộ tiên phong làm homestay của thôn, căn nhà sàn ngày xưa của cha mẹ để lại đã được chị Ma Thị Mơ đầu tư 500 triệu đồng cải tạo để làm du lịch cộng đồng (homestay) vào cuối năm 2023. Chị Mơ kể, đã đón được 3 đoàn khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Tết Giáp Thìn còn có người nước ngoài gọi điện đặt phòng để nghỉ nhưng do mới làm nên cũng chưa quen nên không dám nhận lời. Chị quả quyết, năm tới, sẽ đi học thêm 1 lớp về kỹ năng đón khách nước ngoài, khi học xong sẽ phổ biến thêm cho người dân trong thôn để làm du lịch.
Người dân Bản Bung trước kia chăn nuôi chỉ manh mún, tự phát thì nay đã cơ giới hóa vào sản xuất. Trưởng thôn Ma Văn Phương cho biết, thôn có 49 hộ dân thì có tới gần 1.000 con lợn đen, có những hộ nuôi đến gần 100 con lợn như gia đình ông Bàn Văn Trại, Ma Văn Đắc, Nông Văn Tuyên, Nông Thị Hoài. Đang đẩy từng bắp ngô vào máy nghiền thức ăn, anh Nông Văn Tuyên chia sẻ, sau lứa lợn năm 2022 thu được hơn 100 triệu đồng, anh đầu tư mua máy xay xát, máy nghiền thức ăn để chủ động hơn trong chăn nuôi. Anh bật mí, có máy móc nên năm nay anh cũng thu được 200 triệu đồng từ chăn nuôi lợn do chủ động thức ăn hơn trước.
Với đặc điểm khí hậu núi cao, địa hình bằng phẳng, từ năm 2023, sau khi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, xã Hồng Thái (Na Hang) đầu tư làm vùng chuyên canh rau an toàn, ở Bản Bung đã có 8 ha rau, trong đó có 3 ha cây ớt. Anh Phương là 1 trong 10 hộ thành viên trong HTX mạnh dạn chọn cây ớt làm cây chuyên canh trên 1.000 m2 đất của gia đình. Cây ớt trồng hợp đất, hợp khí hậu, năng suất luôn cao hơn 1,5 lần so với trồng ở nơi khác. Theo dự kiến năm 2024 nếu như thời tiết thuận lợi, 8 ha cây rau màu sẽ mang lại cho người dân trong thôn doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương cho biết: Bản Bung hôm nay đã là thôn khá, người dân trong thôn ai cũng có chí hướng làm kinh tế, nổi bật là phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mới nhất là làm du lịch.
Năm 2024, Bản Bung còn 6 hộ nghèo. Phía xa xa, những tốp thợ đang hoàn thiện hạ tầng nước sạch, để cuối tháng 2 năm nay, 17 hộ dân ở vùng nguy hiểm, giao thông đi lại khó khăn của thôn sẽ được về đây xây dựng nhà mới. Chắc chắn, có nhà ở ổn định sẽ giúp các hộ yên tâm phát triển kinh tế để cùng xây dựng cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết