Chị Phương Thị Minh Hằng, tổ Vĩnh Thiện đóng bánh cho khách hàng. |
Thị trấn Vĩnh Lộc nổi tiếng với món bánh gai Chiêm Hóa. Đây là món bánh truyền thống, được tạo ra từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gạo nếp, lá gai, thịt lợn và nhân đỗ xanh được gói bằng lá chuối khô. Bánh thường được người dân gói quanh năm, nhưng nhu cầu lớn nhất vào dịp lễ Vu Lan và Tết cổ truyền. Ngay từ đầu tháng Chạp, các cơ sở sản xuất bánh gai trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu để phục vụ mùa bánh Tết. Theo các hộ sản xuất bánh gai, những ngày áp Tết, nhất là sau ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết, các cơ sở làm bánh gai phải huy động hết nhân lực để làm bánh. Những ngày này, nhà làm ít nhất cũng khoảng 400 - 600 chiếc/ngày, nhiều lên tới hàng nghìn chiếc/ngày.
Có mặt tại cơ sở sản xuất bánh gai của gia đình chị Phương Thị Minh Hằng, tổ Vĩnh Thiện khi chị và người thân đang tất bật hoàn thành mẻ bánh cho khách đặt trong ngày. Trung bình một ngày, gia đình chị Hằng sản xuất trên 200 cặp bánh gai, chủ yếu là khách đặt hàng. Chị Hằng cho biết, quy trình làm bánh gai tuy không khó nhưng khá công phu ở tất cả các công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến bánh và đồ bánh. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải mịn, có vị thơm của lá gai, dầu chuối, dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía, bùi bùi của đậu xanh, mùi thơm thoảng của vừng. Gia đình chị Hằng làm bánh quanh năm, nhưng bận rộn nhất vào ngày Tết. Để kịp các đơn hàng phục vụ Tết, ngoài 3 nhân công chính trong gia đình, chị phải huy động thêm 2 người họ hàng cùng hỗ trợ cắt, rửa lá và gói bánh. Ngay đầu tháng Chạp, chị đã mua hơn 5 tạ gạo nếp, đường, lá gai, lá chuối phơi khô, lau sạch sẽ tích sẵn trong nhà để làm bánh cung ứng cho khách.
Đến cơ sở sản xuất bánh gai của gia đình bà Trương Thị Sâm, tổ dân phố Vĩnh Giang đã hơn 11 giờ trưa, nhưng bà và hai con vẫn đang tất bật cắt lá chuối, rửa lá gai chuẩn bị Tết. Mỗi ngày gia đình bà Sâm cho ra lò hơn 100 cặp bánh gai, nhưng vào vụ Tết thì tăng lên 200 - 500 cặp/ngày. Bà Sâm cho hay, nghề bánh gai này cha truyền con nối, chính nghề này đã nuôi sống gia đình bà mấy chục năm qua. Vì là nghề chính nên cơ sở nhà bà hoạt động quanh năm. Hàng ngày, 3 mẹ con bà thường bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng đến khoảng 12 giờ trưa mới hoàn thành. Tuy nhiên, vào dịp Tết, đơn hàng tăng cao, việc làm bánh cũng phải bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn bình thường. Nhu cầu tiêu thụ bánh dịp Tết rất cao, nên bánh làm ra chừng nào bán hết chừng đó.
Theo đồng chí Kiều Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc, bánh gai Chiêm Hóa là một trong hai sản phẩm được đưa vào Chương trình OCOP của thị trấn. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 100 hộ làm bánh gai, trong đó có 7 hộ là xã viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp Đồng Lộc tham gia Chương trình OCOP sản xuất bánh gai. Sản lượng bánh mỗi ngày của thị trấn ước đạt trên 2.000 cặp, con số này những tháng giáp Tết tăng lên gấp 2 - 3 lần. Vì vậy, vào thời điểm cận Tết nhà nào cũng bận rộn, tất bật hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bánh gai Chiêm Hóa không chỉ là sản phẩm đặc trưng của thị trấn, giúp giải quyết việc làm ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết