Do tình hình thời tiết mưa lớn kéo dài, đến chiều tối 30 và sáng 31-7, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập nước sâu, các phương tiện di chuyển khó khăn, nhất là xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy; đặc biệt tại khu vực Km 192 trên quốc lộ 37, thuộc địa phận xã Thượng Ấm (Sơn Dương). Ngay sau khi nắm được tình hình, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phân công lực lượng khẩn trương có mặt tại hiện trường để hướng dẫn, điều tiết giao thông; bố trí các tổ công tác phân luồng từ xa nhằm hạn chế các phương tiện di chuyển vào khu vực bị ngập nước. Đồng thời, Cảnh sát giao thông sử dụng ô tô chuyên dụng để hỗ trợ, giúp đỡ bà con di chuyển qua nơi ngập lụt an toàn.
Lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo an toàn tại điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua xã Yên Phú (Hàm Yên).
Trận mưa đêm 30, rạng sáng 31-7, trên địa bàn xã Tân Tiến (Yên Sơn) đã gây ngập cục bộ cho người dân các thôn 5, 7, 8. Mưa lớn cùng nguồn nước thượng nguồn đổ về đã xuất hiện lũ trên các con suối, các đập tràn đã ngập với độ sâu lên đến cả mét nước, khiến các phương tiện không thể qua lại. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND xã Tân Tiến đã cắm biển cảnh báo, đồng thời bố trí lực lượng chốt chặt tại các điểm ngập, nghiêm cấm người và phương tiện đi qua các đập tràn.
Đồng chí Khương Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, từ xã Tân Long (Yên Sơn) đi vào xã Tân Tiến, người dân phải qua 5 chiếc cầu tràn, vì vậy mỗi khi bước vào mùa mưa bão, UBND xã đã phân công cho cán bộ các thôn chuẩn bị các vật tư cảnh báo và cử cán bộ túc trực 24/24, không cho người và phương tiện đi qua các cầu tràn ngập sâu do nước lũ. Đồng thời, khi nước lũ rút, xã cũng đã chỉ đạo các thôn nơi có cầu tràn nạo vét, dọn rác mắc vào các mố cầu tràn, đảm bảo cho nước được tiêu thoát nhanh.
Chị Hoàng Thị Bích Thìn, thôn 5, xã Tân Tiến cho biết: Khoảng 16h chiều ngày 30-7, nước lũ đã làm cô lập 148 hộ dân trong thôn. Thôn trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhiều con, em của các hộ đi làm việc không thể về nhà đành phải ngủ trọ nhà dân bên ngoài. Thôn cũng đã cắt cử người túc trực ở các tuyến đường, cầu tràn bị ngập, không cho người dân đi qua để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện.
Cùng trên địa bàn huyện Yên Sơn các con suối trên địa bàn các xã Công Đa, Đạo Viện, Trung Minh nước lũ lên rất to, gây ách tắc giao thông cục bộ. Chính quyền địa phương các xã đã tuyên truyền, đặt các biển cảnh báo cho người dân không đi qua các đoạn cầu tràn bị ngập sâu.
Còn tại huyện Hàm Yên, mưa lớn đã gây sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2 tại Km45+300 thuộc địa phận xã Yên Phú, gây ách tắc giao thông. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phối hợp với chính quyền địa phương cử người túc trực tại điểm sạt lở, để cảnh báo cho người và phương tiện khi đi qua đoạn đường trên phải chú ý đề phòng.
Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3424/UBND-KT ngày 31/7/2024 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh, trong đó đề nghị các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ; chủ động kiểm tra, rà soát, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình: cầu, ngầm, tràn, đê, kè, hồ chứa thủy điện, thủy lợi… trong mùa mưa lũ.
Để phòng tránh rủi ro khi lưu thông qua các khu vực ngầm, đường tràn qua suối vào mùa mưa lũ, ngoài việc đặt các hệ thống biển cảnh báo, barie, rào chắn..., các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm của các đường tràn qua suối khi mưa lũ đến. Cùng với đó, các xã, thôn có đường tràn qua suối tổ chức theo dõi tình hình mưa lũ, cử người túc trực thường xuyên, kiên quyết không để người dân cố ý vượt đập tràn khi nước lũ dâng cao. Đối với người dân, cần chú ý hệ thống các biển báo, thước đo mực nước sâu, cảnh báo nguy hiểm từ chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, tránh các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết