Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá tổn thương trên kết quả cận lâm sàng để có phương án cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Đầu giờ sáng 13/2 (mồng 4 Tết), chiếc xe cấp cứu vừa đỗ xịch trước cửa Khoa cấp cứu, với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, rất nhanh chóng nam nạn nhân 30 tuổi (từ huyện Giao Thủy, Nam Định) đã được phân loại, đưa ngay vào khu vực cấp cứu chấn thương. Qua thông tin bệnh án từ tuyến dưới chuyển lên; trao đổi trực tiếp với người nhà đi cùng và đánh giá trực tiếp khi khám lâm sàng, TS, BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa phẫu thuật cấp cứu bụng, phụ trách tua trực ngày 13/2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, bị sốc đa chấn thương, chấn thương sọ não, ngực, gãy hai tay; kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới cho thấy nồng độ cồn trong máu cũng rất cao… Nhiều khả năng liên quan đến rượu, bia nạn nhân mất khả năng tự chủ nên bị ngã.
“Chúng tôi đang chỉ định làm thêm các chụp chiếu, xét nghiệm để xác định tình trạng chấn thương và đánh giá khả năng đáp ứng để có phương án điều trị. Tuy nhiên tiên lượng rất dè dặt” - TS Bùi Văn Phúc chia sẻ thêm.
Thống kê trong bốn ngày Tết vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận cấp cứu cho khoảng 500 nạn nhân, chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và pháo nổ. Tất cả các nạn nhân vào cấp cứu đều đã được xử trí kịp thời. So với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, số lượng bệnh nhân cấp cứu giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp cấp cứu có nồng độ cồn trong máu cao và có sự gia tăng số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ.
Các bác sĩ cũng cho biết, việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu khó khăn hơn so với những trường hợp không có nồng độ cồn trong máu. Bởi vì khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu, bia rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường.
Trong số các ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, có đến một nửa liên quan đến rượu, bia. Với các trường hợp tổn thương não, bác sĩ phải theo dõi ít nhất một, hai ngày mới xác định được chính xác mức độ tổn thương não. Đặc biệt là những trường hợp bị chấn thương sọ não, việc đánh giá thang điểm hôn mê glasgow khó chính xác.
Tại các đơn vị chủ chốt của Bệnh viện Bạch Mai như: Cấp cứu A9, Đột quỵ, Chống độc, Tim mạch… từ sau thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới đã có nhiều bệnh nhân nhập viện, trong số đó có nhiều trường hợp từ tuyến dưới chuyển lên. Người bệnh sau khi nhập viện đã được các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong ca trực xử lý kịp thời… Trong 7 ngày Tết, Bệnh viện Bạch Mai bố trí hơn 600 thầy thuốc, nhân viên y tế tham gia những “phiên gác mùa xuân”, nuôi dưỡng hy vọng và bình an cho người bệnh.
Tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thuốc, vật tư y tế bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, sẵn sàng ứng phó với tất cả tình huống có thể xảy ra. Đến ngày 13/2, ghi nhận tại các đơn vị y tế, cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên đã thực hiện tốt tinh thần “vui Xuân không quên nhiệm vụ”, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong những ngày Tết, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hà Quảng có 29 người bệnh điều trị nội trú, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công y, bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp nhận và xử lý cấp cứu, điều trị kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa II Đào Việt Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, việc bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Vì vậy trong những ngày Tết, bệnh viện tổ chức trực bốn cấp, luôn có hơn 60 cán bộ, nhân viên y tế tham gia trực tại các khoa; đồng thời duy trì tổ cấp cứu 115 sẵn sàng đón, đưa cấp cứu người bệnh, duy trì nhân lực trực thường trú, nhất là nhân lực tham gia cấp cứu, phẫu thuật; thành lập các tổ cấp cứu nội, ngoại khoa, phòng chống dịch, thiên tai, thảm họa… sẵn sàng tham gia công tác khi được huy động.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị cơ bản đủ thuốc, vật tư, hóa chất, bảo đảm hoạt động của các trang, thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân dịp Tết. Chỉ tính trong ba ngày, từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, bệnh viện tiếp nhận gần 200 ca đến khám, cấp cứu, trong đó có gần 40 ca tai nạn giao thông, tăng cao hơn so với ngày thường.
Trong những ngày Tết, bệnh viện duy trì các hoạt động cơ bản như căng tin, nhà thuốc, hành chính... bảo đảm các tiện ích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến khám bệnh, cấp cứu; tích cực hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục hành chính chuyển tuyến hay giải quyết các thủ tục ra viện, điều trị ngoại trú để người bệnh được mau chóng về đón Tết cùng gia đình…
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong những ngày Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng hơn 20% so với ngày thường. Để bảo đảm công tác khám, cấp cứu và điều trị trong những ngày Tết, bệnh viện đã phân công kế hoạch trực cụ thể đến từng khoa, phòng và có phương án dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi có tình huống phát sinh và sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mồng 4 Tết, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã khám, cấp cứu hơn 1.300 trường hợp, trong đó, có nhiều trường hợp phải phẫu thuật do tai nạn giao thông.
Lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại khoa Cấp cứu trong những ngày Tết khá đông, các giường bệnh ở khu vực tiếp nhận gần như không còn chỗ trống; nhân viên y tế trực cấp cứu đều tất bật kiểm tra sức khỏe và phân loại bệnh nhân. Những trường hợp nặng cần can thiệp được nhanh chóng chuyển đến phòng phẫu thuật.
Bác sĩ Phan Lê Hiếu, phụ trách khoa Cấp cứu cho biết, trước Tết, khoa đã xây dựng phương án thường trực, dự trữ thuốc men, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, cấp cứu điều trị người bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời. Tại khoa Gây mê hồi sức những ngày Tết liên tục đón tiếp bệnh nhân nặng từ khoa Cấp cứu chuyển đến. Đội ngũ y, bác sĩ làm việc không kể giờ giấc. Ngoài việc lo cấp cứu hồi sức hơn 100 bệnh nhân nặng ở lại trong dịp Tết, từ ngày 30 đến mồng 4 Tết, mỗi ngày khoa đón từ 30 đến 40 bệnh nhân cấp cứu; trong đó có nhiều trường hợp nặng được chuyển đến các khoa, phòng chức năng để phẫu thuật...
Trong ba ngày cao điểm Tết Nguyên đán, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tình hình chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố bố trí nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm bảo đảm việc cấp cứu, điều trị người bệnh và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong dịp Tết.
Các đơn vị liên quan xây dựng phương án thường trực, dự trữ đủ số thuốc, máu, dịch truyền, ô-xi, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, bố trí giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra.
Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng có hơn 500 bệnh nhân ở lại điều trị bệnh dịp Tết. Bệnh viện triển khai các phương án trực cấp cứu và khám, chữa bệnh trong dịp Tết để các bệnh nhân đều được tiếp nhận và điều trị kịp thời. Trong khi đó, Bệnh viện Đà Nẵng bố trí các kíp trực cấp cứu, phòng dịch, trực chuyên khoa như: Nội soi tiêu hóa cấp cứu, can thiệp mạch, siêu âm tim, siêu âm mạch máu, phẫu thuật mạch máu. Đồng thời tăng cường dự trữ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang, thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Với các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng đều được phân công hơn 30 người trực 24/24 giờ theo bốn cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ. Trong ba ngày Tết, tại bệnh viện các quận huyện trên địa bàn, công tác chăm sóc sức khỏe người dân diễn ra bình thường, không có các sự việc đột xuất xảy ra…
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, công tác trực cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân được thực hiện kịp thời. Từ ngày 8 đến sáng 13/2, các cơ sở y tế đã tiếp nhận 321.219 lượt người bệnh đến khám, điều trị, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trong đó có 117.062 người bệnh nhập viện điều trị nội trú (tăng 2,1%); các bệnh viện thực hiện 13.095 ca phẫu thuật, trong đó 2.878 ca phẫu thuật cấp cứu, giảm 7,6%; tổng số có 13.023 em bé chào đời...
Từ ngày 8 đến sáng 13/2, các cơ sở y tế đã tiếp nhận 321.219 lượt người bệnh đến khám, điều trị, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trong đó có 117.062 người bệnh nhập viện điều trị nội trú (tăng 2,1%); các bệnh viện thực hiện 13.095 ca phẫu thuật, trong đó 2.878 ca phẫu thuật cấp cứu, giảm 7,6%; tổng số có 13.023 em bé chào đời...
Về khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông có 19.673 trường hợp, giảm 12,1% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Số lượt tai nạn nghi liên quan đến giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 8.032 trường hợp (giảm 2%); chuyển tuyến trên điều trị là 2.284 trường hợp (giảm 1,8%); hiện còn 6.293 ca đang điều trị tại bệnh viện (tăng 7,4%)… Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 105 trường hợp (trong đó, tử vong tại viện là 32 ca và tử vong trước viện là 73 ca), giảm 21,1% so với cùng kỳ Tết năm trước.
Đáng chú ý, trong những ngày Tết, tại các bệnh viện tiếp nhận số nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng hơn 50% so với năm trước. Trong tổng số 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa thì có 302 trường hợp phải nhập viện điều trị. Ngoài ra cũng có 82 trường hợp phải khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác, tăng 60 ca so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố và 5 viện khu vực gửi về Cục An toàn thực phẩm cho thấy từ ngày 8 đến ngày 13/2 cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc.
Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp các viện khu vực, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế tại địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết