Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tại phiên họp sáng 11/4. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 11/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Chủ động trong huy động nguồn lực, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch
Trình bày báo cáo tóm tắt, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.
Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
“Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%; công tác đào tạo, tuyển dụng, thu hút nhân lực y tế tại y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được quan tâm, bảo đảm đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đánh giá, có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự…
Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở và y tế dự phòng chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Việc quy định cơ chế tài chính, cơ chế giá và danh mục thuốc, thiết bị, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/4. (Ảnh: DUY LINH)
Qua rà soát các báo cáo, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Kết quả giám sát cho thấy, khả năng cung ứng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền chưa đồng đều, còn chênh lệch lớn, đặc biệt ở tuyến xã vẫn còn ở mức hạn chế.
Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở, sử dụng dịch vụ dự phòng còn chưa cao, tình trạng vượt tuyến vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19, hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ tồn tại, yếu kém, chỉ đủ sức giám sát và khống chế các dịch bệnh phổ biến mà chưa đủ khả năng ứng phó với các tình huống khi xảy ra dịch bệnh lớn như dịch Covid-19.
Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát với một số nội dung cụ thể. Trong đó có kiến nghị giao Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngoài ra, cần có chủ trương, chương trình, dự án đầu tư công để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; bảo đảm đến năm 2030, 100% trạm y tế xã và đến năm 2035, 100% các đơn vị y tế dự phòng tuyến Trung ương, 100% Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện và đều được xây dựng kiên cố và có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí của từng khu vực và nhiệm vụ được giao trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị ban hành chính sách bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, chú trọng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của năm 2022 về các nội dung liên quan đến tổng mức thanh toán và thanh toán các chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được cấu thành trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế nhưng chưa quy định giá.
Chính phủ cũng cần xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách và huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực.
Gửi phản hồi
In bài viết