Ngày 9/2, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, vụ việc đánh dấu tổn thất lớn nhất của các vệ tinh bắt nguồn từ một cơn bão địa từ và là sự cố độc nhất diễn ra từ trước tới nay.
Thông báo SpaceX được đăng trên trang web của công ty ngày 8/2 cho biết, các vệ tinh đã bị tấn công vào thứ Sáu tuần trước, ngày 4/2, một ngày sau khi chúng được phóng lên quỹ đạo "triển khai thấp" cách Trái đất khoảng 210 km.
SpaceX cho biết, ban đầu, công ty thường triển khai các vệ tinh của mình ở những quỹ đạo thấp như vậy để chúng có thể nhanh chóng và an toàn được phép rơi trở lại Trái đất và thiêu hủy khi vào lại nếu phát hiện sự cố trong quá trình kiểm tra hệ thống.
Nhưng khi phóng lô 49 vệ tinh mới nhất của mình lên trên cao, không rõ liệu SpaceX có lường trước được mức độ khắc nghiệt của điều kiện thời tiết không gian mà họ phải đối mặt, được thúc đẩy bởi một cơn bão mặt trời vài ngày trước đó hay không.
Vệ tinh SpaceX Starlink 5 được chụp trên bầu trời từ Svendborg ở Nam Funen, Đan Mạch ngày 21/4/2020. Ảnh: REUTERS
SpaceX "phớt lờ" dự báo thời tiết không gian
Vụ phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 vào thứ Năm, ngày 3/2 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida gần như trùng hợp với một "cảnh báo bão địa từ" được Trung tâm Dự báo thời tiết không gian Mỹ đăng vào ngày 2 và 3/2.
Dự báo cảnh báo hoạt động bùng phát của mặt trời từ một vụ nổ lớn của plasma mặt trời và bức xạ điện từ bề mặt mặt trời đã được phát hiện vào ngày 29/1 và có khả năng ảnh hưởng đến Trái đất sớm nhất là vào ngày 1/2.
Cảnh báo cũng cho biết ảnh hưởng của bão địa từ trên Trái đất "có khả năng sẽ kéo dài" đến ngày 3/2 "ở mức độ suy yếu".
Theo SpaceX, tốc độ và mức độ nghiêm trọng của cơn bão mặt trời đã làm tăng mạnh mật độ khí quyển ở độ cao quỹ đạo thấp của các vệ tinh, tạo ra lực ma sát hoặc lực cản dữ dội khiến ít nhất 40 vệ tinh trong số đó bị phá hủy.
SpaceX cho biết, các nhà khai thác Starlink đã cố gắng chỉ huy các vệ tinh vào một quỹ đạo an toàn cho phép chúng bay ngang để giảm thiểu lực cản, nhưng những nỗ lực đó đã thất bại đối với hầu hết các vệ tinh, buộc chúng phải bay vào tầng thấp hơn của bầu khí quyển, nơi chúng bị đốt cháy.
Nhà vật lý thiên văn McDowell nói với Reuters: “Theo tôi biết thì đây là điều chưa từng xảy ra". Ông cho rằng nó đánh dấu sự mất mát lớn nhất của vệ tinh do một cơn bão mặt trời và sự cố vệ tinh hàng loạt đầu tiên do sự gia tăng áp suất không khí, trái ngược với sự bắn phá của các hạt tích điện và bức xạ điện từ.
Theo lời kể của SpaceX, ông McDowell cho rằng, "trong trường hợp đó, có vẻ như họ không chú ý đến các báo cáo thời tiết không gian".
McDowell cho biết thêm, hoạt động của bão địa từ sẽ leo thang trong vài năm tới, khi mặt trời gần đạt "cực đại mặt trời" trong chu kỳ 11 năm hoạt động của vết đen mặt trời.
Công ty tên lửa SpaceX có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ, do tỷ phú doanh nhân Elon Musk thành lập, đã phóng hàng trăm vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo kể từ năm 2019 như một phần của dịch vụ Starlink dành cho internet băng thông rộng. Trong một thông báo trên Twitter ngày 15/1, ông Musk cho biết mạng lưới bao gồm 1.469 vệ tinh đang hoạt động, với 272 vệ tinh đang di chuyển đến quỹ đạo hoạt động.
Công ty cho biết mục tiêu của họ là hình thành một chòm với khoảng 30.000 vệ tinh, tăng so với dự kiến trước đó là 12.000.
Gửi phản hồi
In bài viết