Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

- Tuyên Quang - vùng đất sáng - nơi quần cư của 22 dân tộc anh em chung sống lâu đời. Xưa kia tỉnh còn có cả một huyện Chiêm Hóa mang tên châu Đại Man, tức địa phương có nhiều dân tộc thiểu số. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 900 nghìn dân thì chiếm tới 56% là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là yếu tố “sống còn”, cũng như nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là mang bản sắc riêng.

Thực hiện lời Bác Hồ dặn

Theo các tài liệu lịch sử, chủ nhân xa xưa trên mảnh đất Tuyên Quang là đồng bào dân tộc thiểu số. Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các tộc tỉnh Tuyên Quang tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) có hình ảnh đại diện cho 3 dân tộc tiêu biểu nhất tỉnh được khắc họa rõ nét. Đó là người Tày, đây là dân tộc thiểu số có dân số đông nhất tỉnh, văn hóa biểu trưng của tỉnh. Thứ hai là người Dao, ở Tuyên Quang có đủ 9 ngành Dao. Thứ ba là người Cao Lan, đây là dân tộc thiểu số đông thứ 3 trong tỉnh, nhưng lại là tỉnh có đông đồng bào Cao Lan nhất cả nước.

Năm 1961 trở lại thăm Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ căn dặn “Vấn đề dân tộc, dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”.

Quần thể nhà sàn người Tày tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn quyết tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc riêng có của mình. Tỉnh không theo đuổi chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá để đánh đổi lấy sự phai nhạt của bản sắc văn hóa dân tộc và ô nhiễm môi trường. Những bản làng, quần thể khu di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh vẫn phủ một màu xanh của rừng nguyên sinh. Ai đến Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) vẫn cảm nhận được sự hoang sơ, lãng mạn của chiến khu xưa. Độ che phủ rừng của Tuyên Quang lên trên 65% diện tích đất tự nhiên, đứng vào tốp đầu cả nước. 

Bảo tồn và phát huy

Song song với giữ rừng, tỉnh bảo tồn, tôn tạo tốt 660 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 271 di tích cấp tỉnh, 182 di tích quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 bảo vật quốc gia trên địa bàn. Đồng thời xây dựng, quy hoạch các làng văn hóa dân tộc, như làng văn hóa du lịch Tân Lập của đồng bào Tày xã Tân Trào (Sơn Dương), làng văn hóa du lịch Khâu Tràng của đồng bào Dao tiền xã Hồng Thái (Na Hang), làng văn hóa du lịch Nà Tông của đồng bào Tày xã Thượng Lâm, làng văn hóa du lịch Khuổi Trang, Khuổi Củng của đồng bào Mông xã Xuân Lập (Lâm Bình), làng văn hóa du lịch Giếng Tanh của đồng bào Cao Lan, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 54 lễ hội, trong đó đó có 48 lễ hội truyền thống, 6 lễ hội văn hóa. Tỉnh đã phục hồi nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tông và giã cốm của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Đầm Mây dân tộc Dao quần trắng, lễ hội Đình làng Giếng Thanh của dân tộc Cao Lan…

Các địa phương khôi phục Lễ hội Lồng tông trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng (Trong ảnh: Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa).

Địa phương coi sự bình đẳng, minh bạch, dân chủ đối với các dân tộc là như nhau để tạo ra “vườn hoa đẹp đa sắc màu”. Tỉnh coi trọng công tác bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục, kiến trúc, ẩm thực của từng dân tộc. Hiện tại, trên địa bàn có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”.

Những năm gần đây tỉnh xác định “bản sắc văn hóa dân tộc” là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt là du lịch. Bởi vậy kiến trúc nhà sàn, nhà ngói âm dương, nhà đất trình tường được giữ gìn, khôi phục. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ đàn Tính, hát Then dân tộc Tày; múa màng, hát Páo dung dân tộc Dao; hát Sình ca dân tộc Cao Lan; hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu; múa Khèn của dân tộc Mông được phát huy. Nhiều món ẩm thực dân tộc đưa vào cơ cấu phục vụ như thịt lợn muối chua, mắm cá ruộng, thịt hun khói, trâu khô, rau dớn, nộm bi chuối, măng chua, canh đắng được du khách ấn tượng.

Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, văn hóa Tuyên Quang “đậm chất dân tộc”. Ngoài thành phố Tuyên Quang thì 6 huyện còn lại rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành từng làng bản, phong tục, tập quán vẫn được giữ gìn, phát huy.

Toàn tỉnh hiện có 2 Nghệ nhân nhân dân, 11 Nghệ nhân Ưu tú, 11 Nghệ sỹ ưu tú, trong đó đa phần là người dân tộc thiểu số. Điều đó khẳng định Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan tâm, chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Giúp đồng bào vươn lên trong phát triển kinh tế, song vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt của dân tộc mình. Hội nhập nhưng không hòa tan, mỗi dân tộc tự lan tỏa cái đẹp ra công chúng, xã hội.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục