Đa dạng trang phục truyền thống
Huyện Sơn Dương có 19 dân tộc cùng sinh sống gồm: Kinh, Cao Lan, Tày, Dao, Sán Dìu, Mông… hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống. Mỗi dân tộc đều có trang phục thể hiện nét riêng của dân tộc mình, như: Trang phục người Cao Lan với những đường nét tuy đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất; trang phục dân tộc Mông, dân tộc Dao thì sặc sỡ, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc...
Tại xã Đông Thọ, những người phụ nữ dân tộc Mông vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống thường ngày. Một số gia đình có máy may để tự may những bộ trang phục truyền thống. Cuộc sống của bà con quen thuộc với sợi lanh, khung dệt, cây kim, sợi chỉ. Những lúc rảnh rỗi họ lại ngồi dệt vải, thêu váy áo, nhất là vào dịp giáp Tết họ thường tập trung may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình. Bất cứ ai nhìn qua cũng đều bị thu hút và yêu thích những bộ trang phục của người Mông, bởi màu sắc đẹp, lạ mắt. Chị Lý Thị Kia, thôn Tân An chia sẻ: “Trang phục dân tộc Mông là biểu tượng văn hóa độc đáo, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo. Với họa tiết thêu tay tinh xảo và màu sắc rực rỡ, mỗi bộ trang phục không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng câu chuyện về lịch sử, phong tục và tín ngưỡng”.
Người dân xã Đại Phú (Sơn Dương) trong trang phục dân tộc Cao Lan truyền thống.
Trang phục truyền thống của dân tộc Cao Lan ở xã Chi Thiết nổi bật với áo dài đến gối, thân áo được phối các màu đỏ, nâu, hồng với màu xanh chàm, màu đen. Áo mở nẹp chéo phía trước ngực, cài khuy bên phải, xẻ tà hai bên từ dưới nách xuống đến tận gấu áo, áo có ba cúc. Váy may dài đến bắp chân, được ghép từ năm miếng vải, cạp váy thường nhỏ hơn gấu váy, bên trong luồn chỉ màu để buộc. Điểm độc đáo là tua chỉ màu tết lại khâu ở viền váy rất tinh tế và duyên dáng. Đi liền với váy là thắt lưng, được dệt rất cầu kỳ, đẹp mắt với nhiều hình hoa văn phối các màu xen kẽ. Bà Hoàng Thị Phượng, thôn Ninh Phú, xã Chi Thiết cho biết: “Để làm được một bộ trang phục thường mất khá nhiều thời gian. Từ bao đời nay, người Cao Lan thường mặc trang phục truyền thống vào những dịp lễ, Tết, dịp trọng đại của gia đình. Chúng tôi luôn bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trang phục truyền thống của dân tộc”.
Mỗi bộ trang phục mang nhiều nét riêng biệt. Họa tiết thêu tay tinh xảo, sự khéo léo trong cắt may và kết hợp màu sắc đa dạng của mỗi bộ trang phục truyền thống. Vào các dịp lễ hội, ngày lễ hay sự kiện quan trọng, người dân không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa mà còn tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa các thế hệ, là cầu nối giao lưu và chia sẻ, giúp củng cố tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng.
Gìn giữ trang phục dân tộc
Ngày nay, một số trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều bộ trang phục không còn nguyên gốc. Nguyên nhân này xuất phát từ sự phát triển của xã hội, sự giao lưu và ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa làm thay đổi lối sống, nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình do không phù hợp sinh hoạt đời thường; giới trẻ thì sợ bị coi là lạc hậu… Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống được xem là yêu cầu cấp thiết, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần mà còn được khai thác để phát triển du lịch.
Bà Hà Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết: Trước sự giao lưu hội nhập, để đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ để tôn vinh giá trị trang phục, đồng thời hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Em Phạm Lan Nhi, thôn Nhà Xe, xã Đông Lợi từ khi còn nhỏ đã được xem các bà, các mẹ dệt vải, thêu các bộ trang phục dân tộc truyền thống. Lan Nhi chia sẻ: “Em nghĩ rằng trang phục dân tộc rất đẹp và đặc biệt. Mỗi bộ trang phục không chỉ để mặc, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử. Em mong muốn mọi người cùng nhau gìn giữ và phát huy trang phục dân tộc, không chỉ vào các dịp lễ hội mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp chúng em nhớ về nguồn cội, về ông bà tổ tiên và các phong tục tập quán của dân tộc mình”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc, huyện Sơn Dương đã triển khai thực hiện Dự án 06 về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã thành lập 6 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và hỗ trợ trang phục, đạo cụ để duy trì hoạt động hiệu quả. Huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa, tổ chức chương trình trình diễn trang phục dân tộc và thành lập 32 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ cho các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập ở xã Tân Trào để bảo tồn văn hóa dân tộc Tày và phát triển du lịch cộng đồng tạo dấu ấn tốt đẹp với khách du lịch đến với địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết