Hàm Yên nhân rộng mô hình câu lạc bộ văn hóa dân gian ở thôn, bản

- Mô hình đội, câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hàm Yên đã và đang phát triển sâu rộng, từng bước khai thác hiệu quả những tiềm năng về văn hóa bản địa, bản sắc dân tộc tại địa phương.

Những “hạt nhân” văn hóa

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên, tính riêng từ năm 2023 đến nay, đã có thêm 8 CLB văn hóa dân gian được thành lập, nâng tổng số đội, CLB văn hóa dân gian tại các thôn, bản lên 24, trung bình mỗi câu lạc bộ có 25 - 30 hội viên. Các câu lạc bộ hoạt động tích cực như CLB văn hóa dân gian dân tộc Mông thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương và CLB dân ca dân vũ thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm; CLB hát Sình ca Cao Lan tại xã Thành Long; CLB hát Then, đàn Tính dân tộc Tày xã Nhân Mục…

Về thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương đúng dịp CLB văn nghệ đang luyện tập, chúng tôi được ông Hoàng Văn Thanh, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian dân tộc Mông chia sẻ: “Được thành lập từ năm 2023 với 25 hội viên, đến nay CLB đã thu hút 32 hội viên tham gia. Chúng tôi trực tiếp truyền dạy làn điệu dân ca, dân vũ, múa khèn Mông, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc. CLB thường xuyên sinh hoạt, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, từ đó nhận được sự đánh giá và quan tâm nhiều hơn của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, tỉnh. CLB đã được mời tham gia nhiều hoạt động giao lưu, hội thi trong và ngoài huyện”.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mông thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên).

Năm 2013, Nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao tỉnh Tuyên Quang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Dao xã Tân Thành tự hào có 1 Nghệ nhân ưu tú. Đó là Nghệ nhân ưu tú Phàn Văn Phú, thôn 3 Thuốc Hạ. Ông Phú cho biết: “Hoạt động của CLB đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao, thể hiện niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người. Đây là yếu tố quan trọng, giúp đồng bào người dân tộc Dao bảo tồn, lưu truyền, gìn giữ văn hóa”.

“Từ nhỏ em đã được ông, bà truyền dạy lại lời ăn tiếng nói, câu hát, chữ viết. Em rất thích hát Páo dung và âm hưởng từ múa chuông của dân tộc mình nên đã xin tham gia vào CLB. Được tham gia với mọi người em rất vui, cảm thấy rất ý nghĩa và càng thêm yêu gia đình, quê hương, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - em Triệu Thị Thu Hiền, CLB văn hóa dân gian dân tộc Dao xã Tân Thành chia sẻ thêm.

Những năm qua, ông Phú đã sưu tầm, lưu giữ được nhiều sách cổ, sở hữu bộ nhạc cụ gia truyền của người Dao như kèn pí lè, thanh la, chiêng, trống... Đồng thời, ông cùng với các thành viên trong CLB mở lớp truyền dạy tiếng Dao cho trẻ em và các văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, trong quá trình truyền dạy có nhiều người dân trong thôn và các xã lân cận trên địa bàn huyện tiếp tục đến theo học.

Đội văn nghệ hát Then - đàn Tính thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Quan tâm phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở

Xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian, Đội văn nghệ truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Trịnh Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên cho biết: “Những năm qua, Dự án bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch được ưu tiên quan tâm, Phòng đã tham mưu UBND huyện tăng cường nguồn lực, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để có kinh phí nâng cao chất lượng hoạt động của đội, CLB văn hóa dân gian.

Từ năm 2022 đến nay đã hỗ trợ kinh phí cho 5 CLB, 6 đội văn nghệ tiêu biểu. Nguồn kinh phí hỗ trợ giúp các nghệ nhân và các CLB thực hiện việc truyền dạy, mua sắm trang thiết bị, đạo cụ và tham gia các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi, giao lưu... Đồng thời, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, đội văn nghệ và tổ chức tập huấn học tập kinh nghiệm các mô hình CLB có bề dày thành tích, có nội dung sinh hoạt chất lượng”.

Mô hình đội, CLB văn hóa dân gian vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được nhân rộng góp phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống.

Bài, ảnh: Mai Dung

Tin cùng chuyên mục