Nhiều người cho rằng trong 4 loại hoa đào: Bích đào, đào phai, bạch đào, đào thất thốn thì hoa đào phai mang tính đại chúng hơn cả và có sức cuốn hút lạ thường. Không rực rỡ, thắm sắc đỏ như bích đào, đào thất thốn, đào phai có vẻ đẹp nhẹ nhàng, mang hương sắc của vùng nông thôn, miền núi. Đối với đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang, trồng vài cây đào phai quanh nhà vừa làm cây bóng mát, Tết có thể làm cảnh, chơi hoa, sau đó có thể ăn quả. Nếu đi các huyện vùng cao dịp xuân về, bên mái nhà sàn truyền thống lại có cây đào phai nở bung hoa ở cổng thì quả là đẹp.
Những cây đào phai cổ thụ được nhiều khách hàng lựa chọn.
Chính vì vẻ đẹp “thôn nữ” của đào phai mà những người ở thành phố đều muốn săn lùng một cây đào phai cổ thụ hay một cành đào phai khúc khuỷu về chơi Tết. Anh Nguyễn Văn Hùng, quận Tây Hồ, Hà Nội đang chở một cây đào phai cổ thụ trên chiếc xe ô tô bán tải của mình cho biết, anh mua cây này của một gia đình ở huyện Na Hang với giá 1 triệu đồng. Để trồng được một cây đào như này mất hàng chục năm trời. Theo người chơi đào, cây đào của anh Hùng mang về Hà Nội giá của nó có thể được đẩy lên 4-5 triệu đồng. Chơi Tết xong, gia chủ có thể trồng cây đào trong khuôn viên nhà mình để tạo phong cảnh đẹp cho ngôi nhà. Giờ săn lùng được một gốc đào phai cổ thụ đẹp không phải là dễ nên ai cũng coi nó là hàng quý, cần sưu tầm.
Ông Ma Văn Tuấn, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) chia sẻ, trước kia ở vùng ông ở có nhiều cây đào phai cổ thụ, nhưng do khách “gạ” trả giá cao nên dần dần người dân bán gần hết, chỉ còn lại ít cây non. Không chỉ riêng đào phai mà các loại cây cổ thụ khác như: vú sữa, bưởi, ổi, sấu, tai chua... được người ta thu mua hết.
Nhận thức được vẻ đẹp của cây đào phai trong phát triển du lịch, mấy năm gần đây UBND huyện Lâm Bình đã cho trồng hàng trăm cây đào phai ở khu vực tuyến đường ra sân vận động trung tâm huyện và đền Pú Bảo. Vào Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình thường được tổ chức vào ngày 12-14 Tết hàng năm thu hút hàng vạn nhân dân, du khách thập phương đến trẩy hội. Vẻ đẹp của đào phai càng tô điểm thêm cho mùa xuân, cho lễ hội vùng cao thêm lãng mạn, đặc sắc.
Tại Làng Văn hóa du lịch Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), Tết đến du khách ngẩn ngơ với vẻ đẹp mái nhà sàn, cây đào phai trước ngõ. Anh Hoàng Văn Dự, thôn Tân Lập khẳng định, để phát triển du lịch homestay, các hộ thống nhất phải bảo tồn, phát huy, trồng thêm các cây đào phai. Vào mùa xuân, du khách vào ở homestay sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của các vườn đào. Họ chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp, cũng là cách tốt để quảng bá nét đẹp, bản sắc văn hóa của làng du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết