Bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025

Ngày 8/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở 2, Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.

Tham dự lễ bế mạc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc và hơn 3.000 đại biểu cùng tham dự.

Phát biểu bế mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng vào dịp cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975-2025).

Với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, các tham luận, ý kiến của các đại biểu tham dự một lần nữa khẳng định, trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

Đây cũng là một trong những kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu.

Bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 ảnh 1

Các đại biểu dự lễ bế mạc.

Những năm qua, Phật giáo Việt Nam đã luôn hòa mình với dòng chảy văn hóa, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Triết lý đoàn kết và bao dung của phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp nhấn mạnh: Hòa bình nội tâm là nền tảng của hòa bình thế giới, hòa thượng kêu gọi áp dụng chánh niệm Phật giáo vào việc giải quyết xung đột, khuyến khích việc đưa tinh thần chánh niệm vào lợi ích của mọi người.

Hòa thượng Phra Brahmapundit đánh giá Việt Nam là trung tâm của Phật giáo nhập thế, có vai trò quan trọng trong Phật giáo nhập thế.

Hòa thượng khẳng định Phật giáo nhập thế là dấn thân vào đời nhưng không bị nhiễm trần, lấy chánh pháp xây dựng hòa bình.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, Đại lễ là dịp để phật tử khắp thế giới cùng nhau kết nối tâm linh, hun đúc tinh thần đoàn kết và phát huy các giá trị cao đẹp của Phật giáo.

Thành công của Đại lễ Phật đản Vesak 2025 một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu. Đại lễ là nguồn cảm hứng đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người, khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức.

Những giá trị đó có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay.

Bế mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại lễ bế mạc.

Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 cho thấy vai trò ngày càng lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá như một điểm sáng về xoá đói giảm nghèo, là biểu tượng của hoà bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Năm 2025, Việt Nam tiếp tục hướng đến nhiều mục tiêu an sinh xã hội như: miễn học phí cho trẻ em, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và làm nhà mới cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo (khoảng 223 nghìn căn nhà). Việt Nam cũng sớm có giải pháp để giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí cho người dân.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục