Bí thư Chi bộ La Văn Tám.
Không khá thì không làm cán bộ thôn
Ông Tám vốn là người ở thôn trung tâm xã. Năm 1995, lập gia đình, vợ chồng ông chọn mảnh đất Đán Khao - thôn được mệnh danh là nghèo và khó khăn nhất xã - làm nơi an cư lạc nghiệp.
Dựng được căn nhà tạm, chàng thanh niên sinh năm 1971 khi ấy tràn đầy nhiệt huyết làm giàu. Mảnh đất hoang được hai vợ chồng khai phá từng ngày. Sau căn nhà gỗ tuềnh toàng, là chuồng trại, rồi ruộng vườn, rồi đất trồng rừng... Không có việc gì vợ chồng không làm cả, miễn là có tiền. Chăn nuôi lợn, trồng sắn, nấu rượu, trồng rừng. Quần quật với việc nông, khi được anh em đoàn viên, thanh niên trong thôn bầu làm Bí thư Chi đoàn, Tám không từ chối. Ông bảo, lúc đấy hoàn cảnh gia đình ai cũng khó khăn cả, nhất là những người trẻ, mới lập gia đình như mình. Nhưng mình cứ nghĩ, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”, là lại sẵn sàng với công việc. Ngày bận rộn thì Chi đoàn sinh hoạt buổi tối, nhiệt huyết thanh xuân giúp mình đi qua những năm tháng khó khăn như thế.
Đàn lợn trong chuồng nhà Bí thư Chi bộ La Văn Tám con nào cũng béo núc.
Năm 2004, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Tám trưởng thành đoàn để gánh vác vai trò lớn hơn, là Trưởng thôn, rồi Bí thư Chi bộ.
Ở Đán Khao, số hộ có kinh tế khá giả cũng ít lắm. Bà con thấy có anh thanh niên lúc mới vào nghèo rớt mùng tơi, từ tay trắng mà cũng an cư lạc nghiệp, thay căn nhà tuềnh toàng bằng ngôi nhà xây khang trang, đàn lợn trong chuồng lúc nào cũng béo núc, ủn ỉn, rừng cây cứ lớp này khai thác lại trồng mới lớp kia, mướt mát mấy ha liền thì tin lắm. “Không khá giả thì bà con không bầu làm cán bộ thôn đâu. Trẻ khỏe mà nghèo thì nói ai nghe” - Ông Tám nói về lý do mình được bầu làm Trưởng thôn ở cái tuổi 33 như thế!
Chi bộ Đán Khao có 11 đảng viên, thì 10 đảng viên có kinh tế khá giả. Chỉ có một trường hợp vừa tái nghèo, vì cả vợ cả chồng đều mắc bệnh hiểm nghèo. Ông bảo, người nọ nhìn người kia, không đảng viên nào muốn mình là “điểm trừ” cả. Đảng viên tiên phong đi trước, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình phù hợp. Người chăn nuôi, người trồng cây ăn quả, người trồng rừng... Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiêu Yên Trần Anh Quân bảo, có được điều này là nhờ gương tiên phong của vợ chồng đảng viên La Văn Tám đấy.
Không chọn việc nhẹ nhàng...
Từ năm 2004, chưa năm nào ông Tám thôi giữ việc thôn. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ... đan xen nhau qua từng nhiệm kỳ.
Ông bảo, gần 20 năm làm cán bộ thôn, chuyện vui nhiều, mà chuyện buồn cũng không ít đâu. Như có lần đi rà soát hộ nghèo, nhiều hộ đã đủ các tiêu chí thoát nghèo, nhưng vẫn muốn ở lại để được hưởng nhiều hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khi được đưa vào danh sách thoát nghèo, có hộ hiểu sẵn sàng chia sẻ để nhường cơ hội cho những hộ khó khăn hơn, hộ không hiểu thì nói những lời rất khó nghe. Hỏi, nghe những lời nói nặng ấy, ông có buồn không? Ông Tám cười buồn, có chứ, lần đầu nghe mình sốc lắm. Mình làm vì việc chung, vì sự vô tư thôi mà, có tư lợi điều gì đâu, sao tự dưng lại phải nghe những lời nói nặng nề như thế... Nhưng nghe mãi rồi cũng quen. Họ nóng thì mình nguội, họ hung hăng thì mình lý lẽ để tuyên truyền, vận động. “Được cái mình bền tính. Ai nói gì thì mặc, mình cứ việc đúng mình làm thôi!” - ông giải thích thế.
Cây cầu nối Đán Khao với Phai Đá đang gấp rút xây dựng.
Đán Khao năm nay hoàn thành 2,5 chiếc cầu bắc qua suối theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Lẻ như thế, là bởi 2 chiếc cầu nằm trọn vẹn trên địa phận thôn, nửa chiếc còn lại là nằm giữa Đán Khao và Phai Đá.
Những chiếc cầu qua suối là mong muốn nhiều năm nay của người dân Đán Khao, Phai Đá và nhiều thôn khác của Chiêu Yên. Thời chưa có cầu, bà con lội suối mà đi. Trời quang mây tạnh, nước ở suối cũng chỉ quẩn qua mắt cá chân. Nhưng ngày mưa lũ, nước từ đầu nguồn sùng sục cuộn đỏ, chực chờ cuốn phăng tất cả. Ông Tám bảo, những ngày mưa, bà con bị cô lập cả tuần trời. Có hôm mưa ngớt, lũ trẻ sau nhiều ngày nghỉ học thèm đến trường quá, vẫn lếch thếch đội mưa đòi đến lớp. Ông Tám vận động người dân trong làng bặm môi cõng từng đứa vượt suối, để bọn trẻ không phải dừng việc học.
Khi có chủ trương, Đán Khao là thôn được xây dựng nhiều cầu nhất. Chi bộ, thôn họp thống nhất với dân. Dân nhất trí là triển khai ngay. Ông bảo, việc gì cũng thế, cứ phải họp thống nhất từ đầu, bà con nhất trí thì làm. Không nhất trí thì khó lắm. Như Bác Hồ dạy đấy, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
2 chiếc cầu nằm trọn vẹn trên đất Đán Khao dễ dàng nhận được sự thống nhất của bà con. Nửa chiếc còn lại, tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại khó nhất. Là bởi, chiếc cầu nối giữa Đán Khao với Phai Đá nằm chủ yếu trên đất ruộng. Hơn 1.000 mét vuông ruộng của chục hộ gia đình Phai Đá phải hiến để làm cầu. Phai Đá họp, thống nhất những để bà con góp thêm tiền hỗ trợ cho những hộ mất hết đất sản xuất tìm mua đất khác làm sinh kế. Đán Khao có chừng chục hộ có đất sản xuất nằm trong khu vực này.
Đán Khao họp, thống nhất lại với những hộ có đất sản xuất. Bà con ban đầu cũng chần chừ, bảo công trình chung mà, lại còn không nằm hết trên đất thôn mình. Ông Tám, Trưởng thôn, rồi Trưởng ban Công tác Mặt trận phải đến từng nhà, bảo rằng, nếu nhà mình cũng mất hết ruộng đấy, rồi lấy gạo đâu cho con cháu mình ăn. Mình hỗ trợ để những hộ mất đất có mảnh ruộng mới, đổi lại mình có cầu đi lại thuận lợi, mấy nữa rừng được khai thác, hoa quả sau mỗi vụ có xe đến tận nơi vận chuyển, mình được lợi hơn mà... 1-2 lần, rồi bà con cũng hiểu, đồng thuận đóng góp mỗi hộ 5 triệu đồng để bà con Phai Đá mất đất có kinh phí mua đất sản xuất mới.
Dẫn khách đi thăm 2,5 chiếc cầu đã gần hoàn thành, Bí thư Chi bộ La Văn Tám phấn khởi, rồi chẳng mấy chốc, câu chuyện cõng học sinh qua suối đi học sẽ trở thành câu chuyện “cổ tích” ở Đán Khao.
Đán Khao ẩn hiện trong khói lam chiều. Người Bí thư Chi bộ vừa chào khách, vừa tất bật ra cùng với bà con quét dọn đường làng ngõ xóm theo quy ước đã xây dựng. Ông Tám cười, cứ sạch làng, sạch xóm, rồi nông thôn mới sẽ hiện diện thôi...
Gửi phản hồi
In bài viết