Tạo dựng hình ảnh đẹp
Tiến sỹ Đào Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải qua) và sinh viên Trường Đại học Tân Trào trong giờ thực tế tại vườn ươm giống cây keo lai. |
Khi ra nước ngoài học tập, làm việc, những du học sinh như “hình ảnh đại diện” của quê hương, đất nước. Chính vì thế họ luôn nỗ lực rèn luyện góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp với bạn bè bốn phương về con người Việt Nam hiếu học, giàu khát vọng.
Tiến sỹ Đào Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Tân Trào từng có 5 năm (2015 - 2020) học tập và bảo vệ luận án Tiến sỹ tại
Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Sankt-Peterburg (Nga). Ở đây khí hậu rất khắc nghiệt, lạnh thấu xương nhưng chị đã vượt qua để học tập tiến bộ. Những chuyến đi rừng rồi tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện vệ sinh môi trường, giúp đỡ cộng đồng địa phương đã cho chị thêm vốn sống, hòa mình với đời sống mới để thu lượm kiến thức phục vụ học tập. Những điều đó từ chị đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè về hình ảnh con người Việt Nam thân thiện và luôn biết vượt qua khó khăn.
Nhiều du học sinh xứ Tuyên khi ra nước ngoài học tập, làm việc giữ hình ảnh thân thiện, luôn nỗ lực vì công việc, có nhiều đóng góp với cộng đồng.
Khi trở về quê hương không ít người đã mạnh dạn thành lập công ty, phát triển sản xuất kinh doanh góp sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Dám nghĩ, dám làm
Học xong đại học, có cơ hội làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhưng nhiều người lại chọn cho mình hướng đi riêng và thành công trên con đường đã chọn.
Đó là chàng trai Nguyễn Việt Lâm, sinh năm 1992 ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương). Lâm từng tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Cơ điện tử, năm 2017 sau quãng thời gian thử sức làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài em đã quyết định về quê để trồng rau sạch. Lâm bảo, cái nghề em chọn và nghề đã học không có gì liên quan đến nhau cả nhưng khi nhìn thấy quê mình đất đai hoang hóa nhiều, anh xót xa và nhen lên ý định trồng rau sạch ở quê mình. Sau nhiều nỗ lực vừa học vừa làm, đến nay, Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm do Lâm làm giám đốc đã phát triển ổn định diện tích rau, củ trồng theo phương pháp thủy canh với quy mô hơn 3.000 m2 và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Lâm cho biết, làm gì thì làm nhưng phải có kiến thức, làm nông dân cũng không hề đơn giản, muốn thành công không có cách nào khác là mình phải tự học hỏi.
Anh Nguyễn Việt Lâm ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương) học xong đại học
về quê mở công ty trồng rau thủy canh.
Anh Bùi Văn Hoàng ở xã Hợp Hòa (Sơn Dương) sau khi học Công nghệ thông tin đã được một doanh nghiệp lớn mời về làm với mức thu nhập từ 14 đến 16 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập mà bao người mơ ước nhưng anh Hoàng lại... về quê lập nghiệp. Anh Hoàng bảo, trong tâm trí anh lúc nào cũng day dứt hình ảnh mẹ cha sớm chiều lam lũ mà mãi không khá lên nổi. Nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, anh quyết định bỏ việc để về quê để vay vốn phát triển trang trại nuôi gà đẻ. Nhưng ngay lần đầu anh đã phải nhận “quả đắng” khi đàn gà gần nghìn con chết một nửa. Anh Hoàng chia sẻ, sau thất bại anh nhận ra nhiều điều, nuôi vài chục con gà để cải thiện bữa ăn thì dễ nhưng nuôi quy mô lớn thì thật khó, điều quan trọng nhất là thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gà theo mùa. Cùng với đó xây dựng chuồng trại quy củ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, nhờ đó anh đã có thành quả. Hiện mô hình mang lại thu nhập trung bình từ 400 đến 500 triệu/năm.
Nhiều bạn trẻ ở thành phố Tuyên Quang đã thay đổi tư duy, cách nghĩ tạo dựng cho mình lối đi phù hợp với bản thân và đạt được những kết quả đáng khâm phục. Anh Trung Vĩnh Trí ở tổ 28, phường Tân Hà, tốt nghiệp Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội có nhiều cơ hội trở thành cán bộ nhưng lại chuyển hướng mở công ty tại nhà. Anh Trí bảo, “nhiều người khuyên em làm việc ở Hà Nội hay xin vào làm việc ở một cơ quan Nhà nước, nhưng em lại nghĩ, tuổi trẻ muốn thử sức. Và thế là em quyết định thành lập Công ty TNHH Bảo Trung do em làm giám đốc. Công ty chuyên kinh doanh nước khoáng, cây công trình và thiết kế kiến trúc, thi công”. Giờ công ty phát triển khá hơn rồi, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn nhưng em thấy quyết định của mình là đúng.
“Bến quê” đã neo đậu những con người giàu ý chí chung tay xây dựng quê nhà giàu đẹp hơn. Họ đã đóng góp sức trẻ, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của quê nhà...
Gửi phản hồi
In bài viết