Nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày
Theo các cụ cao niên ở huyện Chiêm Hóa kể thì lễ hội Lồng tông là lễ hội truyền thống không biết có từ bao giờ, chỉ biết xa xưa truyền lại. Lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện như Chiêm Hóa và Lâm Bình. Ngày và địa điểm tổ chức lễ hội được các địa phương nghiên cứu lựa chọn kỹ, bảo đảm không gian vừa trang trọng thoáng rộng vừa đúng ngày đẹp, không bị trùng nhau, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lễ hội. Thường thì lễ hội được ấn định ngày tổ chức hàng năm như Lồng tông huyện Chiêm Hóa (mùng 8 Tết) và Lâm Bình (12-14 Tết). Riêng huyện Chiêm Hóa theo thống kê có khoảng 45 lễ hội Lồng tông cấp thôn, xã, huyện được tổ chức đầu xuân.
Nghi lễ rước mâm tồng trong Lễ hội Lồng tông.
Nhớ về cảm xúc làm thầy Pú Mo (thầy cả) trong lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa năm 2019, ông Vũ Văn Vìn, xã Phúc Sơn cho biết, đối với Tuyên Quang đồng bào Tày là dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh chiếm khoảng trên 25% dân số toàn tỉnh, chủ nhân của vùng đất này. Trong cuộc sống tâm linh, người Tày thường nhờ các thầy Then cao tay về cúng giải hạn, vào nhà mới, mát nhà cho gia đình, dòng họ. Ngoài cúng cho gia đình, dòng họ thầy Then còn cúng cho cả cộng đồng rộng lớn như một thôn, một xã, một huyện trong lễ hội Lồng tông. Phần lễ, thầy cúng dâng lên Thần Nông, Thành Hoàng Làng với nghi lễ rước mâm tồng, cày tịch điền, tán lộc và tung còn. Xong phần lễ sẽ đến phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống, thi thể thao, múa hát, trưng bày các gian hàng. Ở phần lễ hòa quyện vào phần hội chính là màn tung còn lý thú. Chỉ khi những trai thanh nữ tú tung thủng vòng nguyệt còn thì phần lễ mới kết thúc, kỳ vọng vào một năm đầy may mắn.
Hằng năm cứ vào mùng 8 Tết, người dân các xã, thị trấn trong huyện và vùng lân cận của huyện Chiêm Hóa lại đổ về sân vận động trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc để trảy hội Lồng tông. Đi hội với người dân để cầu ước về một năm mới hanh thông, đi hội để chơi xuân, gặp lại bạn bè, người thân trong năm mới, chúc nhau những điều tốt lành. Anh Ma Văn Tuần, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) tâm sự, năm nào cũng vậy, mùng 8 Tết cả gia đình đi trảy hội Lồng tông. Trước khi đi gia đình anh có làm một mâm cơm cúng bái vọng. Lúc đi hội về anh Tuần không quên lấy một quả còn hay một ít hạt giống về treo cạnh bàn thờ để lấy may cả năm. Trải qua bao nhiêu mùa xuân, lễ hội Lồng tông thấm vào văn hóa của từng người, từng gia đình. Dù làm gì hay đi ngược về xuôi, mọi người đều cố gắng sắp xếp để mùng 8 Tết vui hội Lồng tông. Đây là lễ hội tâm linh của đồng bào Tày nên Lồng tông được xếp vào dạng “trường tồn” với thời gian. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, lễ hội Lồng tông vẫn phát triển theo dòng chảy của dân tộc. Qua lễ hội thể hiện tính ước vọng và đoàn kết cộng đồng rất cao của người Tày. Mấy năm gần đây ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các huyện tiến hành bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tông ngày một quy mô, đông vui hơn.
Đông đảo nhân dân và du khách trảy hội Lồng tông.
Tua du lịch hấp dẫn
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, lấy truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Bám sát Nghị quyết của tỉnh, các huyện rất chú trọng tổ chức lễ hội đầu năm mới gắn với việc quảng bá kinh tế, xã hội của từng địa phương, trong đó đặc biệt là thu hút du lịch. Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chiêm Hóa khẳng định, du lịch lễ hội đầu xuân mới ngày nay thu hút rất nhiều nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến dự, trải nghiệm. Đã có hàng vạn người tham dự lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa hằng năm, mở đầu cho một năm du lịch đầy triển vọng.
Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch là ngoài “ăn Tết” còn có “chơi Tết”, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đã lập tua, tuyến du lịch lễ hội đầu xuân hấp dẫn. Nhiều khách chọn đi theo tua lễ hội Lồng tông thôn Bản Cuống, xã Minh Quang (mùng 3 Tết); lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào (mùng 4 Tết); lễ hội Lồng tông xã Đà Vị (mùng 7 Tết); lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa (mùng 8 Tết); lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình (12-14 Tết); lễ hội Lồng tông xã Kim Bình (14 Tết); lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm (15 Tết). Theo đánh giá của khách du lịch thì lễ hội Lồng tông đều có điểm chung là lễ hội xuống đồng đầu năm mới của đồng bào Tày. Tuy nhiên tùy theo mỗi địa phương mà hình thức tổ chức có khác nhau, tạo sự lôi cuốn riêng.
Cày tịch điền đầu năm mới là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Lồng tông.
Nói về sự quy mô, hoành tráng nhất có lẽ là lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình. Hằng năm UBND huyện Lâm Bình chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lễ hội quan trọng này. Huyện giao cho các cơ quan chức năng của huyện, các xã cùng tham gia. Trong lễ hội sẽ gắn việc dâng lễ đền Pú Bảo - Di tích cấp quốc gia và hoạt động Ngày hội Văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện như văn nghệ, nhảy lửa, đua mảng ngóc, trưng bày gian hàng sản vật của địa phương, ẩm thực, du lịch homestay. Với một huyện ở xa nhất tỉnh cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 150 km, Lâm Bình tổ chức lễ hội trong 3 ngày, ngoài để “phô diễn” hết bản sắc của huyện, còn là dịp để du khách lưu trú homestay, phát triển du lịch.
Vừa trong vai một khách du lịch, vừa là một nhiếp ảnh gia tâm huyết với lễ hội Lồng tông đầu năm của tỉnh, ông Hà Thế Đô, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh luôn sắp xếp thời gian để có thể đi được nhiều nhất các lễ hội Lồng tông trên địa bàn tỉnh. Bỏ lễ hội nào ông tiếc lễ hội đó. Qua lễ hội ông ghi lại những khoảnh khắc, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày xứ Tuyên. Những bức ảnh đẹp cũng góp phần quảng bá tích cực cho du lịch của tỉnh.
Với việc tổ chức các lễ hội Lồng tông ngày càng quy mô, bài bản ở các địa phương đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết