Ước vọng ngàn đời
Thôn Biến cách trung tâm xã Phúc Sơn khoảng hơn 10 km, nằm trọn giữa hai dãy núi cao. Vào mùa đông, chỉ hơn 17h là bóng tối bao trùm cả thôn, nhà nào biết nhà đó, mọi hoạt động chung hầu như không có. Cuộc sống cứ thế trôi đi, từ đời này sang đời khác nhân dân thôn Biến chưa biết đến điện lưới quốc gia. Đối với họ, ánh điện là một thứ xa xỉ mà họ chỉ dám mơ đến.
Ông Ma Phúc Hiền, Bí thư Chi bộ thôn Biến chia sẻ: “Trước đây, chưa có điện mọi người phải thắp đèn dầu, thắp nến hoặc đốt lửa trong nhà để có nguồn sáng. Người già thì có thể đã quen với cuộc sống không có điện, nhưng nhìn lũ trẻ phải học trong ánh đèn dầu le lói bậc làm cha, làm mẹ xót lắm. Chỉ mới khoảng chục năm trước, các gia đình mới tận dụng dòng chảy của nước suối để có điện sử dụng nhưng cũng chỉ là những ánh sáng le lói, chập chờn. Vào mùa khô, nguồn nước suối cạn thì không sử dụng được nữa. Người dân thôn Biến luôn khát khao có điện, ngóng chờ từng ngày như trẻ con chờ được quà vậy”.
Thỏa lòng mong đợi của người dân, sau gần 1 năm thi công tuyến đường điện thôn Biến do Sở Công thương làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 10 tỷ đồng gồm 2 trạm biến áp và gần 10km đường dây được hoàn thành và đóng điện trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong niềm hân hoan, phấn khởi của gần 200 hộ dân sinh sống tại đây. Từ ngày có điện, thôn Biến như chuyển mình trong nhịp sống mới. Nhiều hộ gia đình trước đó đã sắm sửa ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy xay xát... để phục vụ nhu cầu của gia đình cũng như làm kinh tế.
Anh Trương Tài Xiên, thôn Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đầu tư máy xát phục vụ người dân.
Anh Trương Tài Xiên phấn khởi cho biết, trước đây gia đình anh phục vụ xay xát cho bà con trong thôn bằng máy phát chạy dầu. Nhớ lại mỗi khi mùa đông đến, để nổ được máy xát anh phải đun nước nóng đổ vào máy. Giờ có điện, anh lắp dàn máy xay xát mới phục vụ người dân trong thôn, mấy ngày cuối năm, máy hoạt động hết công suất, sức người cũng được giảm tải đi nhiều, ai ai cũng đều vui.
Có điện, người dân trong thôn cũng được tiếp thu với những nguồn thông tin hữu ích cho việc sản xuất, nắm bắt được tình hình thời sự trong và ngoài tỉnh, nhiều người không còn phải đi rừng kiếm củi nấu cơm, trẻ nhỏ không còn phải thắp đèn dầu học. Có thể nói, điện không chỉ để thắp sáng mà điện còn mang theo ánh sáng văn hóa, tri thức giúp người dân từng bước nâng cao đời sống tinh thần, tiếp cận thông tin kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống.
Hướng tới tương lai
Thôn Biến có số đồng bào dân tộc Dao chiếm 84%, nên còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao như làn điệu Páo dung, múa màng, thổi tù và. Hàng năm, thôn đều tổ chức ngày hội, ngày lễ, Tết theo phong tục tập quán; người già trong thôn vẫn thường mặc trang phục truyền thống, đeo trang sức, khăn quấn đầu… nói tiếng dân tộc mình. Những thuận lợi đó được người dân trong thôn nắm bắt và đầu tư phát triển du lịch sinh thái từ hơn 2 năm nay.
Hiện nay trong thôn có 2 homestay đón khách du lịch. Anh Lý Tiến Hội, chủ Homestay Hoa Lan Rừng cho biết, từ khi homestay đi vào hoạt động đã thu hút được nhiều du lịch đến trải nghiệm. Du khách rất thích thú khám phá cánh rừng nguyên sinh có Hang Thẳm Nặm với những phiến đá nhũ lấp lánh nghìn năm tuổi, thác Tát Lụa, chè Khau Mút... và những món ăn dân dã đặc trưng của các đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, vì trước đây chưa có điện nên không thể giữ chân du khách ở lại qua đêm. Giờ điện đã về bản, gia đình anh cũng đã sắm sửa đầy đủ ti vi, quạt máy, nóng lạnh để sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Dù trước đây vất vả, thiếu thốn là thế, nhưng người dân thôn Biến luôn đồng lòng để cuộc sống bớt khó khăn. Ông Hiền cho biết, ông cùng bà con trong thôn xác định việc gì dân có thể làm thì cố gắng hoàn thành. Để có con đường bê tông liên thôn dài gần 4km, rộng 4m, ông đã vận động mọi người tổ chức 4 đợt ra quân vận chuyển cát, sỏi, đóng góp công sức, tiền của để làm. Có đường, nhiều gia đình đã mua ô tô tải, máy xúc để phục vụ nhu cầu sản xuất, giao thương nông sản.
Chia tay thôn Biến khi trời vừa nhá nhem tối, hy vọng, điện về sẽ giúp người dân “sáng mắt, sáng lòng”, để họ ấm lòng tin và kỳ vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết