Thống kê cho thấy, các bệnh lý mạch máu như: Động mạch vành, phình động mạch chủ, hẹp động mạch cảnh, suy giãn tĩnh mạch, tắc hoặc hẹp các động mạch chân... ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, trước đây, bệnh lý mạch máu thường gặp ở người cao tuổi thì nay đối tượng mắc bệnh có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân là người trẻ trong xã hội hiện đại thường xuyên đối mặt với áp lực công việc, lối sống ít vận động, mắc nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, xơ vữa động mạch, thói quen hút thuốc lá… dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạch máu ngày càng gia tăng.
Nhiều bệnh lý mạch máu nguy hiểm có thể gây biến chứng tim mạch nghiêm trọng như huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…, thậm chí khiến người bệnh phải cắt cụt chi, tử vong. Riêng đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự ngưng lưu thông máu, nhưng đột quỵ ảnh hưởng đến não, còn nhồi máu cơ tim ảnh hưởng đến tim.
Thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay. Đã có những người bệnh mới chỉ 26 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện.
Ngoài ra, hiện nay có khoảng 25% các ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi và đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu hay thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, chỉ số cân nặng quá mức...
Các bệnh lý mạch máu nguy hiểm là vậy nhưng theo các chuyên gia y tế, các bệnh lý mạch máu thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hơn 90% bệnh lý mạch máu không có triệu chứng. 70-80% trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng. Hơn nữa, ở giai đoạn nặng, khi xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ rất tốn kém, thậm chí gây nguy hiểm với tính mạng.
Do đó, kiểm soát bệnh lý mạch máu hiệu quả nhất là tầm soát bệnh ở giai đoạn sớm với quy trình chặt chẽ tại trung tâm chuyên sâu về bệnh lý mạch máu.
Ngoài ra, người trẻ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như: Huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, sử dụng nhiều thuốc lá, rượu bia, làm việc trong môi trường căng thẳng, độc hại… và trong gia đình có người mắc bệnh lý mạch máu thì nên thực hiện tầm soát bệnh định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Cũng theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh tim mạch nói chung và các bệnh lý mạch máu nói riêng, người dân nên tăng cường thực hiện các hoạt động thể chất như: Đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, đạp xe, tập yoga... Bên cạnh đó, thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và ăn uống khoa học, tránh thức khuya, giảm căng thẳng, lo lắng…
Đặc biệt, với những người huyết áp cao, mắc bệnh đái tháo đường… cần kiểm soát huyết áp cao, kiểm soát đường huyết, quản lý cholesterol trong máu.
Gửi phản hồi
In bài viết