Người dân chờ kết quả tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Dunkirk (Pháp). Ảnh: Reuters
Ngày 7-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia đặc biệt cảnh giác khi nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tránh đánh mất những thành quả chống dịch đã đạt được trong thời gian qua. Theo Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan, các nước cần cân nhắc để tự đưa ra quyết định về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và những điều cần cảnh giác để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các quốc gia giàu có nhất thế giới tăng cường nỗ lực trợ giúp nhóm nước nghèo chống chọi với tác động kép của đại dịch Covid-19, đó là khủng hoảng y tế và kinh tế.
Bà K.Georgieva cho rằng, các nước nghèo vừa đứng trước nguy cơ không thể khống chế được dịch bệnh, vừa mất đi những nguồn đầu tư quan trọng để khôi phục và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Do đó, đây là thời điểm quan trọng để các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu hành động khẩn cấp, tăng nguồn cung vắc xin, chia sẻ vắc xin cho các nước nghèo, xóa nợ và bảo trợ để thế giới đạt mục tiêu mỗi nước tiêm chủng cho tối thiểu 40% dân số vào cuối năm 2021.
Châu Mỹ
Theo số liệu tổng hợp được công bố ngày 7-7 của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng Delta chiếm tới 51,7% số ca mắc mới Covid-19 ở nước này trong vòng 2 tuần, tính đến ngày 3-7. Đây là biến chủng được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và có khả năng lây lan nhanh. Trong khi đó, biến chủng Alpha, được phát hiện lần đầu ở Anh, hiện giảm còn 28,7% số ca mắc mới được ghi nhận ở Mỹ.
Châu Âu
Các biện pháp giãn cách xã hội đang được một số nước châu Âu siết chặt lại, trong bối cảnh tỷ lệ mắc Covid-19 ở khu vực này gia tăng nhanh do biến chủng Delta.
Ngày 7-7, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cảnh báo, những người trẻ tuổi có thể xuất hiện các triệu chứng nặng khi mắc Covid-19. Cụ thể, cứ 100 trường hợp mắc Covid-19 ở độ tuổi từ 20-24 thì có 1 trường hợp phải nhập viện, và phần lớn các ổ dịch bùng phát gần đây ở nước này có liên quan đến các bữa tiệc cuối kỳ của sinh viên.
Quan chức y tế Tây Ban Nha yêu cầu nhóm người trẻ tuổi tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh tỷ lệ mắc Covid-19 tại nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 1 tuần do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 40% số ca mắc Covid-19 mới ở nước này và có thể phá hoại những triển vọng trong mùa hè nếu tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh và trở thành làn sóng dịch bệnh thứ tư. Theo ông G.Attal, tỷ lệ mắc biến chủng Delta trong số các ca nhiễm mới đã tăng từ 10% vào thời điểm cách đây 3 tuần lên 40% trong tuần này. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở 11 khu vực đô thị và có chiều hướng xấu đi tại vùng Ile-de-France.
Chính phủ Hy Lạp cho biết, nước này đã ghi nhận 1.820 ca mắc Covid-19 trong 1 ngày, gấp 3 lần con số ghi nhận trước đó 1 tuần. Số ca mắc mới tăng nhanh vào thời điểm nước này vừa bước vào mùa du lịch, buộc giới chức Hy Lạp phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới để phòng, chống dịch.
Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) cho đối tượng trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Đây là nỗ lực nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại quốc gia châu Âu này.
Theo WHO, trẻ em thường mắc Covid-19 ở thể nhẹ hơn so với người lớn. Việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này không cấp bách bằng các nhóm có nguy cơ cao hơn như người cao tuổi, người có bệnh nền, các nhân viên y tế... Song, việc tiêm chủng cho trẻ em giúp tăng cường khả năng phòng dịch chung của cộng đồng.
Số ca mắc Covid-19 ở Đức đã tăng trở lại vào ngày 7-7 sau hơn 2 tháng duy trì mức giảm ổn định, trong đó hầu hết các ca dương tính nhiễm biến chủng Delta. Theo báo cáo của Viện Robert Koch (RKI), Đức ghi nhận thêm 985 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, tăng 177 trường hợp so với số ca mắc mới hằng ngày tại thời điểm 1 tuần trước.
Sau cuộc họp liên ngành vào ngày 7-7, Chính phủ Đức đã quyết định trong tháng 8 tới sẽ chuyển giao miễn phí toàn bộ các lô vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) mà nước này dự kiến tiếp nhận cho các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển. Phần lớn lượng vắc xin này sẽ được phân bổ thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).
Theo Reuters, cảnh sát Nga đã bắt giữ một nhân viên y tế ở vùng Kaliningrad với cáo buộc bán giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 giả cho khoảng 20 người.
Châu Á - châu Đại Dương
Ngày 7-7, giới chức Myanmar đã yêu cầu người dân tại một số khu vực ở Yangon - thành phố lớn nhất nước này - hạn chế ra khỏi nhà trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á ghi nhận gần 4.000 ca mắc Covid-19 vào ngày 6-7. Theo kênh truyền hình nhà nước Myanmar, khoảng 1,75 triệu trong số 54 triệu người ở nước này đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Chính quyền bang Victoria của Australia sẽ cung cấp chế độ nghỉ ốm cho người lao động trong một chương trình thử nghiệm nhằm đối phó với sự lây lan vi rút SARS-CoV-2 tại nơi làm việc trước làn sóng lây nhiễm thứ hai ở thành phố Melbourne, thủ phủ của bang này.
Theo chương trình, người lao động nghỉ ốm hoặc nghỉ chăm sóc người thân sẽ được hưởng tối đa 5 ngày lương tối thiểu. Chế độ này được áp dụng với người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao như nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên dọn dẹp vệ sinh, nhân viên siêu thị, khách sạn và nhân viên bảo vệ.
Gửi phản hồi
In bài viết