Thái Lan đàm phán mua vắc xin Pfizer và Moderna, vất vả chống vượt biên

Nội các Thái Lan ngày 7-7 đã thông qua đề xuất mua 20 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech và xem xét nhập vắc xin Moderna như lựa chọn thay thế, bên cạnh tiếp tục nhập thêm 10,9 triệu liều vắc xin của Sinovac.


Nhân viên y tế tiêm vắc xin Sinovac tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Sau cuộc họp nội các vào tối ngày 6-7, phát ngôn viên chính phủ Anucha Burapachaisri cho biết ông Opas Karnkawinpong, Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan đang đàm phán với nhà cung cấp vắc xin Pfizer và thay mặt chính phủ ký hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin.

Cũng trong cuộc họp, nội các đã thông qua dự thảo thỏa thuận giữa Thái Lan và Mỹ, đề nghị cung cấp thêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho Thái Lan.

Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) được giao nhiệm vụ đàm phán mua vắc xin Moderna. Vắc xin này là lựa chọn thay thế, dành cho tiêm dịch vụ.

Theo báo Bangkok Post, nội các Thái Lan cũng thông qua đề xuất duyệt chi 6,1 tỉ bath (hơn 4.200 tỉ đồng) để mua thêm 10,9 triệu liều vắc xin của Sinovac.

Chính phủ kỳ vọng đến quý II năm sau sẽ hoàn tất tiêm chủng 150 triệu liều đúng theo kế hoạch.

Hiện tại, chương trình tiêm chủng sẽ tập trung vào 4 nhóm đối tượng ưu tiên: nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe; người có bệnh lý nền; người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên nhà nước có nhiệm vụ chống dịch.

Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết một số thương vụ mua vắc xin không thể tiết lộ thỏa thuận vì các điều khoản và giá cả khác nhau ở mỗi nước.

Udom Kachintorn, cố vấn Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA) nói vắc xin công nghệ mRNA như Pfizer, Moderna và vắc xin công nghệ vector virus như AstraZeneca sẽ được tiêm bổ sung cho khoảng 700.000 nhân viên y tế đã tiêm đầy đủ vắc xin Sinovac trước đó.

Bên cạnh vắc xin, nhập cư trái phép cũng đang là vấn đề khiến các nhà chức trách Thái Lan đau đầu.

Sáng sớm ngày 7-7, chín công dân Myanmar và 2 hướng dẫn viên người Thái đã bị bắt tại một trạm kiểm soát an ninh ở huyện Sangkhla Buri (tỉnh Kanchanaburi).

Những người này cho biết đã trả 17.000 baht (hơn 12 triệu đồng) cho công ty môi giới. Hành trình bắt đầu từ đêm 6-7, điểm dừng đầu tiên là huyện Sai Yok (tỉnh Kanchanaburi) và cuối cùng là tỉnh Ratchaburi.

Cũng trong ngày 7-7, báo Bangkok Post dẫn nguồn từ Bộ Y tế cho biết Thái Lan ghi nhận 54 ca tử vong và 6.519 ca bệnh mới trong 24 giờ qua.

Kể từ ngày 1-4, làn sóng thứ 3 của COVID-19, Thái Lan ghi nhận tới 272.309 ca bệnh mới, 203.745 người trong số này đã hồi phục.

Theo Tuổi Trẻ Online

Tin cùng chuyên mục