Biến chủng Delta đã xuất hiện ở 96 quốc gia

Tính đến 6h sáng ngày 2-7, thế giới có 183.370.829 ca mắc Covid-19, trong đó, 3.970.130 trường hợp đã tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước.


Nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Châu Âu

Tại châu Âu, biến chủng Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia hay Bồ Đào Nha. Ở vùng England (Anh), số ca nhiễm biến chủng này đã chiếm đến 95% số ca bệnh. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự đoán đến đầu tháng 8, có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến chủng Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.

Giám đốc WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge cảnh báo, giai đoạn 10 tuần giảm số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn châu Âu đã kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới là không thể tránh khỏi nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng 10%, do sự gia tăng các hoạt động đi lại, tụ tập, gặp gỡ và hàng loạt biện pháp hạn chế xã hội được nới lỏng. 

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh chứng chỉ Covid-19, còn gọi là "hộ chiếu vắc xin", bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-7 trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn trong kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch. Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein). Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo biến chủng Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ này.

Châu Á

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức kỷ lục, với 24.836 ca mắc và 504 trường hợp tử vong. Giới chức y tế cho rằng, làn sóng lây nhiễm này do biến chủng Delta cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Trước tình hình này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo, các hoạt động giãn cách cộng đồng khẩn cấp sẽ được áp đặt từ ngày 3 đến 20-7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố tại Java - hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng với hơn 4 triệu dân. Tất cả người lao động trong các lĩnh vực không thiết yếu đều phải làm việc tại nhà, trong khi chỉ 50% lao động trong các lĩnh vực thiết yếu gồm ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin và truyền thông, khách sạn được phép làm việc luân phiên tại văn phòng. Các trung tâm mua sắm, địa điểm thờ tự, công viên và trung tâm giải trí sẽ buộc phải đóng cửa, các nhà hàng không được phép phục vụ khách tại chỗ mà chỉ được cung cấp các suất ăn mang đi và giao hàng. Các tiệc cưới chỉ giới hạn tối đa 30 khách và không được phép ăn uống. Các cửa hàng tạp hóa và siêu thị chỉ được phép hoạt động với 50% công suất và phải đóng cửa vào 20h hằng ngày.

Malaysia cũng thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn về đi lại và hoạt động kinh doanh tại thủ đô Kuala Lumpur và bang lân cận Selangor từ ngày 3-7 và kéo dài trong 2 tuần. Chỉ có các hoạt động kinh doanh thiết yếu được phép hoạt động.

Tại Thái Lan, số ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua ghi nhận mức cao kỷ lục ngày thứ 2 liên tiếp. Không ít người lo ngại, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn khi đảo du lịch Phuket của nước này bắt đầu đón nhóm du khách nước ngoài miễn cách ly đầu tiên. Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đang kêu gọi các quán ăn và nhà hàng tuân thủ những hạn chế về phục vụ tại chỗ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời cảnh báo khả năng sớm xảy ra đợt lây nhiễm thứ 4.

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi đầu tiên của hãng Moderna cho người từ 55-59 tuổi kể từ ngày 26-7 và những người từ 50-54 tuổi từ ngày 9-8. Vắc xin của hãng AstraZeneca sẽ được tiêm cho những người trên 50 tuổi từ tháng 7. Thuộc diện ưu tiên tiêm chủng trong tháng này là 197.000 người theo kế hoạch được tiêm mũi đầu tiên trong tháng 6 nhưng chưa được tiêm do vấn đề nguồn cung.

Bên cạnh đó, khoảng 110.000 giáo viên dưới 30 tuổi tại các trường mẫu giáo và tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng sẽ được tiêm phòng trong tháng này với vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ). Kể từ khi Hàn Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng hồi cuối tháng 2 vừa qua, đến nay hơn 15,3 triệu người đã được tiêm vắc xin mũi đầu tiên, chiếm khoảng 29,9% trong tổng số 51,3 triệu dân.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục