Trong một tuyên bố liên quan, OECD cho biết các công ty toàn cầu, bao gồm những "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple, sẽ bị đánh thuế ít nhất 15% một khi thỏa thuận được thực hiện. Thỏa thuận sẽ giúp chính phủ các quốc gia tăng nguồn thu cần thiết để điều chỉnh ngân sách và đầu tư vào các biện pháp hỗ trợ phục hồi sau thời kỳ đại dịch.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã đạt được thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó đề ra mức thuế tối thiểu 15%.
Sau động thái mới nhất của OECD, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), từ ngày 9 đến 10-7 tại thành phố Venice (Italia).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellet nhận định, động thái của OECD mang tính lịch sử. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng tuyên bố, quyết định đã đánh dấu một bước tiến xa hơn trong sứ mệnh cải cách thuế toàn cầu.
Đức, quốc gia ủng hộ cải cách thuế, ca ngợi động thái này là "một bước tiến quan trọng hướng đến công bằng thuế", trong khi Pháp nhận định đây là "thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong một thế kỷ".
Theo Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, thỏa thuận không loại bỏ sự cạnh tranh về thuế, đáp ứng những lợi ích khác nhau trên bàn đàm phán, bao gồm cả lợi ích của các nền kinh tế nhỏ và các khu vực tài phán đang phát triển.
OCED cho biết, Ireland và Hungary, những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có mức thuế thấp nhằm thu hút các công ty đa quốc gia và xây dựng nền kinh tế, đã từ chối ký kết thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cảnh báo, các quy định mới có thể khiến Ireland mất 20% doanh thu doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết