Tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với khủng hoảng là nội dung trọng tâm của
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, diễn ra ngày 29-6 tại Italia.
Tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với khủng hoảng là nội dung trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, diễn ra ngày 29-6 tại Italia.
Cuộc họp diễn ra ngày 29-6 tại thành phố Matera phía Nam Italia là lần đầu tiên các quan chức ngoại giao G20 gặp mặt trực tiếp trong vòng 2 năm qua. Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Quốc, Brazil và Australia góp mặt trực tuyến, còn Nga và Hàn Quốc cử cấp thứ trưởng tham dự. Đây được coi là nỗ lực lớn của nước chủ nhà Italia với tư cách Chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay, nhằm duy trì động lực và tăng tính hiệu quả trong các khuôn khổ trao đổi hợp tác.
Không nằm ngoài những vấn đề thiết yếu của thế giới, nội dung trọng tâm trên bàn thảo luận của các quan chức ngoại giao G20 là sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế và những thể chế đa phương trong các lĩnh vực như: Y tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế. Đáng chú ý là cách thức nhằm bảo đảm phân phối công bằng thuốc điều trị và vắc xin phòng Covid-19 cho các nước đang phát triển cùng nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các nội dung này được xác định dựa trên 3 trụ cột trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italia là Con người - Hành tinh - Thịnh vượng, đồng thời phù hợp với mục tiêu bao trùm là xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn hậu Covid-19.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Luigi Di Maio, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế đối với các tình huống khẩn cấp, vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, hợp tác đa phương sẽ là "chìa khóa" cho năng lực tập thể để chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra ở Rome (Italia) hồi tháng 5 vừa qua, các nước G20 cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trong tất cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để có sự chuẩn bị tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.
Bên cạnh cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, lần đầu tiên trong lịch sử G20, một cuộc họp liên bộ trưởng ngoại giao và phát triển cũng đã được tổ chức. Vấn đề hỗ trợ châu Phi, khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 đã được đặt ra với nhiều nội dung thảo luận như chống bất bình đẳng, nâng cao tinh thần của phụ nữ và thanh niên tham gia vào hoạt động kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số... Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Italia đã có những ưu tiên rõ ràng cho khu vực này.
Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị, các nước G20 cam kết phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy đầu tư cho an ninh lương thực, dinh dưỡng và hệ thống lương thực bền vững. Các bộ trưởng ngoại giao G20 kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế xây dựng các chuỗi lương thực đồng đều và vững chắc để đến năm 2030 không còn nạn đói như đã đề ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Theo Reuters, các nước G20 hiện chiếm tới 60% dân số thế giới và hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Với quy mô như vậy, nỗ lực hợp tác của G20 mang một ý nghĩa quan trọng và có tác động không nhỏ tới định hướng phát triển chung của thế giới. Kết quả của hội nghị vừa qua cũng là cơ sở để báo cáo và xây dựng chương trình nghị sự cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến được tổ chức tại Rome vào cuối tháng 10 tới.
Gửi phản hồi
In bài viết