Hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang quá tải do số bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng Delta đang khiến cả thế giới lo ngại vì khả năng lây lan nhanh. Dù các loại vắc xin hiện có được cho là vẫn hiệu quả với biến chủng này nhưng tính hiệu quả đó không cao đối với những người mới chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Đáng chú ý hơn, biến chủng Delta lây lan nhanh nhất ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng phòng Covid-19 thấp nhất ở hầu hết quốc gia.
Ngoài tốc độ lây lan, biến chủng Delta còn có khả năng tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn các biến chủng phát triển trước đó. Điều này cho phép nó đột phá thành công "hàng rào phòng vệ miễn dịch" ở người.
Ngày 15-8, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số trẻ em nhập viện vì Covid-19 đã tăng cao kỷ lục trong ngày 14-8 với 1.900 ca chủ yếu do biến chủng Delta. Đáng lo ngại, trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng cũng dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến chủng Delta có khả năng lây truyền cao.
Tại châu Âu, biến chủng Delta chiếm tới 70% số các ca mắc mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo, số bệnh nhân Covid-19 sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn gấp đôi trong 4 tuần tới, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Điều này làm dấy lên lo ngại biến chủng mới có thể cản trở những nỗ lực mà Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thời gian gần đây trong việc giảm ca mắc và tử vong do Covid-19.
Đông Nam Á - khu vực chịu ít ảnh hưởng khi đại dịch mới bùng phát đầu năm 2020 - đang trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới cũng do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Số ca bệnh tại các nước: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines liên tục tăng ở mức kỷ lục, khiến hệ thống y tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng do thiếu ô xy, thuốc men, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực trong các bệnh viện.
Đứng trước những nguy cơ do biến chủng Delta gây ra, nhiều quốc gia đã phải áp dụng những chiến lược mới, trong đó ưu tiên lớn nhất là tăng tốc chương trình tiêm phòng vắc xin. Tại Israel, chính phủ đã triển khai việc nới rộng thời gian phục vụ tiêm phòng qua đêm bắt đầu từ ngày 14-8.
Anh, nước đang đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng tại châu Âu cũng lên kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9. Song song với chương trình tiêm vắc xin, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản vẫn được duy trì dựa trên nguyên tắc nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, điều trị sớm...
Tại Việt Nam, gần đây nhất, Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội. Theo đó, các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục triển khai nghiêm ngặt, quyết liệt hơn; thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả...
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, những thành quả chống dịch mà thế giới đã phải rất khó khăn mới giành được đang bị mất đi và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải do số ca nhiễm tăng. Sự xuất hiện của biến chủng Delta đòi hỏi cần thêm nhiều nỗ lực hợp tác cùng tinh thần đoàn kết toàn cầu mới có thể đẩy lùi mối nguy hiểm này.
Gửi phản hồi
In bài viết