Số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Israel tăng

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 16-8, toàn thế giới ghi nhận 207.942.144 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.374.021 bệnh nhân đã tử vong.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Ziv, phía Bắc thành phố Safed, Israel ngày 11-8. 

Châu Á

Ngày 15-8, Bộ Y tế Isarel thông báo, số bệnh nhân Covid-19 với các biến chứng nặng tại Israel đã vượt mức 500 ca, mức cao nhất kể từ tháng 3-2021 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, người trên 60 tuổi chưa được tiêm vắc xin chiếm tỷ lệ rất cao so với các nhóm đối tượng khác.

Mặc dù là một trong số những khu vực dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19, Israel đang phải đối mặt với làn sóng lây lan mới, buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 

Số ca mắc Covid-19 tại Lào đã vượt 10.000 ca sau khi ghi nhận thêm 198 ca mắc mới. Thủ đô Viêng Chăn ghi nhận 1 ca cộng đồng là người Việt Nam có liên quan đến các ca bệnh trước đó; các ca cộng đồng còn lại là tại tỉnh Savannakhet.

Trung tâm Xét nghiệm Covid-19 thuộc Bộ Y tế Lào cho biết, thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp người Việt có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Điểm chung của những người này là đều có quá trình di chuyển qua vùng dịch tỉnh Bokeo.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tăng cường tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng, chống dịch tiếp theo của Lào.

Tại Thái Lan, thống kê chính thức cho thấy, nước này đã ghi nhận 21.882 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 907.157 ca. Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 209 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 7.552 ca.

Thủ đô Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách địa phương có số ca mắc cao nhất với 4.215 ca trong vòng 24 giờ qua. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền thủ đô Bangkok và 28 tỉnh khác đã thực hiện lệnh phong tỏa một phần, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế di chuyển và đóng cửa các trung tâm thương mại. Dự kiến, giới chức Thái Lan sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay (16-8) nhằm đánh giá tình hình dịch tễ và cân nhắc kéo dài các biện pháp phòng dịch đến cuối tháng 8 này. 

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến chủng Lambda, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. 

Cùng ngày, Bộ trên cũng thông báo ghi nhận thêm 14.749 ca mắc mới, số ca nhiễm theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát. Số ca tử vong trong ngày là 270 ca, mức cao thứ ba kể từ đầu dịch đến nay. Cho tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines là 1,74 triệu ca, trong đó có 30.340 ca tử vong.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn chưa cải thiện. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, số bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng tại nước này là 1.563 ca tính đến ngày 14-8, tăng thêm 42 ca so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 nặng ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại thủ đô Tokyo, giới chức y tế cho hay, đã ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới trong bối cảnh hệ thống y tế tại khu vực này đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc mới tăng mạnh. Chính quyền Nhật Bản đang đối mặt với sức ép trong việc mở rộng tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Tokyo, Osaka và nhiều tỉnh, thành khác.

Châu Âu

Ngày 15-8, Bộ trưởng Lao động Serbia, bà Darija Kisic Tepavcevic thông báo, các cơ quan y tế nước này đã cho phép tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vắc xin ít nhất 6 tháng trước đây.

Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca Covid-19 mới, với bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến chủng Delta. Quốc gia này đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người.

Tại Anh, chính quyền vùng England đã ban hành quy định mới trong phòng dịch Covid-19. Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vắc xin tại vùng England sẽ không phải tự cách ly nếu họ tiếp xúc gần với ca bệnh. Thay vào đó, kể từ ngày 16-8, những người này và những đối tượng dưới 18 tuổi có tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 sẽ được làm xét nghiệm RT-PCR miễn phí. Trong trường hợp có kết quả dương tính, họ buộc phải cách ly. Quy định mới này nằm trong kế hoạch mở cửa 4 bước mà chính phủ công bố hồi tháng trước. 

Trong khi đó, sau khi Chính phủ Pháp ban hành quy định người dân chính thức phải xuất trình thẻ chứng minh sức khỏe ở nơi công cộng (gồm chứng minh họ đã được tiêm phòng hoặc được xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ), nhiều người dân nước này đã đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Chính phủ Pháp cho biết, bắt đầu từ ngày 16-8, sẽ cứng rắn hơn trong việc kiểm tra quy định trên. Từ tháng 10, xét nghiệm Covid-19 sẽ không được miễn phí và sẽ rất phức tạp cho người dân nếu cứ 3 ngày họ phải đi xét nghiệm một lần. Thế nên, lựa chọn hợp lý nhất đối với người dân chỉ có thể là tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục