Người dân Philippines xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở thủ đô Manila, Philippines ngày 5-8.
Châu Á - châu Đại dương
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu lục này. Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19; trong đó, Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.588 ca; Thái Lan đứng thứ hai với 212 ca; Malaysia ghi nhận 210 ca tử vong, trong khi Philippines thêm 162 ca, Campuchia thêm 11 ca và Lào ghi nhận 1 ca.
Với 31.753 ca nhiễm trong ngày 7-8, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khối về lây nhiễm mới, dù số ca nhiễm đã giảm về quanh ngưỡng 30.000 sau khi liên tục ở mức trên 45.000-50.000 ca. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.639.616 ca bệnh và 105.598 ca tử vong.
Các ca nhiễm mới đang bắt đầu giảm trên đảo chính Java nhưng lại lan nhanh ra các khu vực khác, thúc đẩy làn sóng người dân đổ xô tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế.
Gần một nửa số ca nhiễm mới hằng ngày hiện được ghi nhận bên ngoài đảo Java, nơi tập trung khoảng 60% dân số Indonesia. Quốc gia Vạn đảo đang đứng trước nguy cơ tình hình dịch xấu đi khi vi rút lan ra những khu vực xa, nơi có hệ thống y tế thiếu thốn và tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.
Tình hình Thái Lan đang nghiêm trọng hơn, với ca nhiễm mới đứng thứ hai trong khu vực - 21.838 ca trong ngày, nâng tổng ca bệnh lên 736.522 người. Trong khi đó, thủ đô Bangkok - tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ ba ở Thái Lan, đang tăng cường các biện pháp để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm.
Người phát ngôn Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết, BMA đã đánh giá tình hình Covid-19 và quyết định tăng cường các biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và ứng phó với sự gia tăng các ca nhiễm.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 11.021 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ gần 4 tháng qua. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario cho biết, dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngày 7-8, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 354 ca mắc mới, trong đó có 330 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 24 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận mới trong một ngày tại Lào tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh dòng người lao động trở về từ Thái Lan ngày càng gia tăng và có nhiều trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nhà chức trách Lào đang khẩn trương mở rộng các cơ sở giám sát y tế đối với người nhập cảnh.
Trong khi đó, Campuchia ghi nhận 522 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 81.335 người. Campuchia chuẩn bị tiêm liều vắc xin thứ 3 ngừa Covid-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu, công chức và lực lượng vũ trang ở 7 tỉnh dọc theo biên giới giữa nước này và Thái Lan. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết, chiến dịch tiêm phòng tăng cường này sẽ được tiến hành từ ngày 8-8.
Tại Trung Quốc, ngày 7-8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) đã tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao do biến chủng siêu lây nhiễm Delta. Theo quy định mới, những người đang ở các khu vực nguy cơ cao sẽ tạm thời không được về thủ đô hoặc phải có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Cùng ngày, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến chủng Lambda. Bệnh nhân Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20-7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda. Biến chủng này được phát hiện đầu tiên tại Peru vào tháng 8-2020 và đang lan rộng ở Nam Mỹ. So với chủng thông thường, biến chủng này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng cao kháng vắc xin phòng bệnh.
Ngày 7-8, Australia cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ đầu năm đến nay. Bang đông dân nhất New South Wales cùng với các bang Victoria và Queensland đã ghi nhận tổng cộng 361 ca nhiễm biến chủng Delta. Khoảng 15 triệu người ở 3 bang nói trên, tương đương 60% dân số nước này, đang phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Châu Âu
Anh đang phải điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất, gồm 1.283.960 người. Con số này ở Tây Ban Nha là 721.582 người. Trong khi đó, số bệnh nhân đang nằm viện ở Nga là 520.952 người, ở Pháp là 403.755 người.
Tuy nhiên, số ca nguy kịch ở Nga nhiều nhất (2.300 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha và Pháp (đều hơn 1.400 ca). Ở Anh, số ca nguy kịch hiện là 871 ca, trong khi ở Đức là 393 ca. Dù Nga là nước có số ca tử vong cao nhất, song số ca phục hồi ở nước này cũng cao nhất châu Âu (hơn 5,7 triệu ca).
Tại Thụy Sĩ, Geneva sẽ là bang đầu tiên của nước này yêu cầu người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội phải có chứng chỉ Covid-19 hợp lệ hoặc thực hiện kiểm tra thường xuyên. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23-8.
Quy định được áp dụng cho nhân viên của các cơ sở y tế nội trú công và tư nhân, viện dưỡng lão cho người già, người tàn tật, các tổ chức trợ giúp tại nhà và các trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi. Giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh một người đã tiêm vắc xin, phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 hoặc không mắc Covid-19. Nếu không có giấy này, nhân viên sẽ phải được kiểm tra thường xuyên.
Thụy Sĩ đang chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh, phần lớn là do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, chủ yếu ở nhóm 10-29 tuổi.
Châu Mỹ
Mỹ hiện ghi nhận trung bình 100.000 ca mắc Covid-19 mới/ngày, quay trở lại ngưỡng bùng phát hồi mùa đông năm ngoái. Cuối tháng 6, dịch bệnh lắng dịu tại Mỹ, khi trung bình chỉ có 11.000 ca nhiễm/ngày. Nhưng hiện nay con số này đã lên tới 107.143 ca/ngày tính trong tuần mới nhất từ ngày 31-7 đến 6-8, gấp gần 10 lần chỉ sau hơn một tháng, cho thấy mức độ lây lan mạnh của biến chủng Delta.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong trung bình ngày trên tuần cũng tăng, từ mức 270 ca/ngày hai tuần trước đây lên mức gần 500 ca/ngày tính trong tuần kết thúc hôm 6-8. Vi rút lây lan mạnh, đặc biệt là ở nhóm đối tượng chưa tiêm vắc xin, nhất là tại nhiều bang ở miền Nam, nơi hệ thống bệnh viện bắt đầu quá tải.
Giới chức y tế Mỹ lo sợ số ca mắc còn tiếp tục tăng nếu tiến độ tiêm vắc xin không đạt bước tiến lớn. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cảnh báo nước này có thể ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, tương tự như đỉnh dịch hồi đầu tháng 1 vừa qua, nếu người dân không nỗ lực tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết