Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số G20: Đòn bẩy cho phục hồi bền vững

Ngày 5-8, Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Trieste (Italia). Tại hội nghị này, vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số kinh tế và xã hội được khẳng định là đòn bẩy cho sự phục hồi bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này tạo ra sức đề kháng, giúp các quốc gia sẵn sàng ứng phó với những rủi ro trong tương lai.

G20 nhất trí khai thác hiệu quả tiềm năng của số hóa để hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Trong bối cảnh G20 kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu, Italia trong vai trò Chủ tịch luân phiên đã chọn ưu tiên vấn đề số hóa. Trên cơ sở đó, trọng tâm thảo luận tại hội nghị năm nay là vấn đề chuyển đổi số đối với các hoạt động sản xuất hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hòa nhập xã hội, quản trị, phát triển và ứng dụng sáng tạo các công nghệ.

Hội nghị đã diễn ra với hai phần chính, trong đó Bộ trưởng Đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số Italia Vittorio Colao chủ trì phiên họp về “Chính phủ điện tử”. Phiên họp tập trung trao đổi vai trò của nhận dạng kỹ thuật số trong việc cung cấp cho người dân phương pháp nhận dạng an toàn và quyền truy cập đáng tin cậy vào các dịch vụ kỹ thuật số. Đây được xem là nền tảng quan trọng để mỗi quốc gia có thể ứng dụng trong việc cung cấp dịch vụ công. Italia cũng kêu gọi các nước thành viên chia sẻ thông tin bằng cách lập “bản đồ” cách thức mà chính phủ các nước tự chuyển đổi và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề kinh tế số, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm trong phiên họp về “Kích hoạt chuyển đổi kỹ thuật số” do Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italia Giancarlo Giorgetti chủ trì. Các ý kiến nhất trí mục tiêu khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của số hóa để hỗ trợ sự phục hồi bền vững, bao trùm, theo kịp sự chuyển đổi sâu sắc mà tiến trình số hóa đã tạo ra trong nền kinh tế, đồng thời thu hẹp bất bình đẳng. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của chuyển đổi số trong sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) đáng tin cậy hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ; cách đo lường nền kinh tế số; nhận thức và bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu; chuỗi khối (Blockchain) trong chuỗi giá trị toàn cầu; bảo vệ trẻ em trong môi trường kỹ thuật số...

Kết thúc hội nghị, Tuyên bố chung "Tận dụng kỹ thuật số hóa để phục hồi linh hoạt, mạnh mẽ, bền vững và toàn diện" được thông qua. Tuyên bố đã nêu rõ 12 hành động cần thiết để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sự cần thiết trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể xảy ra của tiến bộ công nghệ đối với xã hội...

Giới chuyên môn đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục “phủ bóng sâu sắc và trực tiếp” lên thế giới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các xã hội trên toàn cầu, G20 đã đúng đắn khi nhận định đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng đang trôi qua, mà còn là cơ hội để nắm bắt. Sự nhất quán về quan điểm xuyên suốt hội nghị được hoan nghênh, bởi đây là nền tảng quan trọng cho những hợp tác về sau - yếu tố vô cùng quan trọng giữa lúc thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có mà một quốc gia đơn lẻ không thể tự mình đối mặt giải quyết.

Hội nghị lần này một lần nữa cho thấy, G20 tiếp tục giữ vững vai trò hạt nhân dẫn dắt của nền kinh tế toàn cầu, không ngừng đóng góp mạnh mẽ vào nỗ lực phục hồi bền vững và bao trùm; đồng thời xác định các bước đi tiếp theo của thế giới trong thời kỳ hậu đại dịch.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục