Thực tiễn cuộc sống đã cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần thiết phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng cách thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thân của nhân dân. Do vậy, phong trào “Dân vận khéo” dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân.
Đã xuất hiện hàng vạn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Tuy nhiên, phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn có lúc, có nơi chưa được quan tâm thực hiện. Các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng hệ thống chính trị còn ít. Việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức.
Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ viết bài báo Dân vận, các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức về những hiệu quả mang lại từ phong trào “Dân vận khéo”. Từ đó, định hướng rõ nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng loại hình, từng địa phương, đơn vị phải thực sự hướng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực của người dân.
Có như vậy, mới tạo sự đồng thuận, biến việc khó thành dễ, biến những điều không thể thành có thể, tạo thêm những động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết