Biến thể SARS-CoV-2 K417N “Nepal” xuất hiện tại nhiều quốc gia

Đến 6h ngày 23-6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 179.868.217 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.896.074 ca tử vong, 164.617.193 người đã bình phục.

Tới nay, biến thể K417N của SARS-CoV-2 đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Nepal. K417N được gọi tên không chính thức là biến thể Nepal do được phát hiện lần đầu tiên ở 13 người đi du lịch từ Nepal đến Nhật Bản. Đây thực chất là biến thể Delta - lần đầu phát hiện tại Ấn Độ - với một đột biến bổ sung. Theo giới chức y tế Vương quốc Anh, có ít nhất hai nhóm K417N riêng biệt, được gọi là Delta-AY.1 và Delta AY.2. Trong đó, Delta AY.1 là phổ biến nhất. Cùng với Delta “nguyên bản”, cả ba chủng SARS-CoV-2 này đều đem tới rủi ro cao do lây lan dễ dàng hơn, thậm chí có thể kháng một phần với vắc xin Covid-19 hoặc các cơ thể đã có miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước đó.

Châu Âu

Nga ghi nhận 546 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ tháng 2-2021. Nguyên nhân chính là do sự nguy hiểm của biến chủng Delta. Tại Mátxcơva, người dân sẽ phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19  khi ăn uống tại các nhà hàng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi thứ hai bằng sản phẩm của hãng Moderna, sau mũi tiêm đầu tiên của AstraZeneca hồi tháng 4. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc tiêm phối hợp vắc xin AstraZeneca và hãng khác dường như sẽ có hiệu quả tốt hơn. Mặc dù điều này kéo theo khả năng xảy ra tác dụng phụ cao hơn, nhưng các nhà nghiên cứu đánh giá hiện tượng này là dấu hiệu tốt, bởi tác dụng phụ nhiều hơn đồng nghĩa với phản ứng miễn dịch mạnh hơn và do vậy sẽ có hiệu quả phòng bệnh tốt hơn.

Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết, nước này đang lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại đối với những công dân đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19, tạo điều kiện cho những người này du lịch đến các bãi biển châu Âu vào mùa hè này. Hiện nay, về cơ bản, công dân Anh bị hạn chế đi du lịch đến hầu hết các quốc gia, trong đó có cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vì các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và tốn kém. 

Italia hủy bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 28-6. Theo Bộ trưởng Y tế nước này Roberto Speranza, việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang sẽ có hiệu lực ở các vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về Covid-19. Tương tự, Tây Ban Nha cũng sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 26-6 do tỷ lệ mắc Covid-19 đã giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh. Khoảng 29% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 và 48% đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Giới chức Tây Ban Nha thông báo cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại ở một số khu vực, trong đó có thủ đô Madrid và thành phố Barcelona.

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào mỗi chủ nhật và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dần lắng dịu.

Ba Lan áp dụng cách ly bắt buộc 7 ngày đối với tất cả người nhập cảnh đến từ Anh.

Châu Á - châu Đại dương

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 42.640 ca nhiễm mới và 1.167 ca tử vong. Đây cũng là ngày đầu tiên trong 91 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 50.000 ca. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này đã lên tới 29,98 triệu ca.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận tới 13.668 ca nhiễm mới, đồng nghĩa tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực với 2.018.113 ca bệnh và 55.291 ca tử vong.

Campuchia ngày 22-6 ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai từ trước đến nay với 18 người. Trong khi đó, nước này cũng có thêm 678 ca mắc mới, trong đó có 620 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, hiện tổng số ca bệnh tại Campuchia là 44.124 ca, trong đó có 459 ca tử vong.

Hãng hàng không quốc gia Lào sẽ nối lại các chặng bay nội địa kể từ ngày 25-6 sau hơn hai tháng đình chỉ hoạt động do bùng phát dịch Covid-19. Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 các tỉnh của Lào giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mê Kông.

Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch cho phép hoạt động du lịch miễn cách ly tại Phuket, có hiệu lực từ ngày 1-7. Kế hoạch này cho phép du khách quốc tế đến và tự do đi lại trên đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này mà không phải trải qua cách ly, miễn là những du khách này được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đến từ những nước mà Chính phủ Thái Lan coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc trung bình. Các điều kiện khác bao gồm chính sách bảo hiểm y tế đối với bệnh Covid-19 với chi trả bảo hiểm ít nhất là 100.000 USD và chứng nhận có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 72 giờ trước khi tới Thái Lan. Những người muốn tới các nơi khác của Thái Lan sẽ phải lưu trú tại Phuket qua 14 đêm.

Tại Australia, bang New South Wales ghi nhận 10 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất trong gần một tuần qua.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 617.832 ca tử vong trong tổng số 34.432.542 ca nhiễm Covid-19. Theo giới chức Nhà Trắng, Mỹ có thể “mất thêm vài tuần” so với mốc 4-7 – thời điểm Tổng thống Joe Biden hi vọng có thể tiêm phòng ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 cho 70% người trưởng thành tại Xứ cờ hoa. Theo Cố vấn cao cấp Nhà Trắng về Covid-19 Jeffrey Zients, nhiều người trẻ tuổi tại Mỹ - đặc biệt là từ 18-26 tuổi - cho rằng đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng gì tới mình, do đó thờ ơ với việc chủng ngừa.

Chính phủ Cuba thông báo vắc xin tiêm ba mũi Abdala có hiệu quả tới 92% trong việc ngăn ngừa SARS-CoV-2.

Ở Nam Mỹ, Brazil ghi nhận 502.817 ca tử vong trong số 17.969.806 bệnh nhân.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục