Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh nhất trong số các chủng SARS-CoV-2.
Biến thể Delta của SARS-CoV-2 - được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - đã được ghi nhận ở 74 quốc gia. Với tốc độ lây nhiễm cực nhanh, biến thể này được cho là sẽ trở thành chủng SARS-CoV-2 phổ biến nhất thế giới. Tại Anh, lượng người nhiễm biến thể Delta chiếm tới hơn 90% ca nhiễm mới. Trong khi đó, dù Mỹ mới ghi nhận biến thể Delta trên khoảng 10% ca mắc Covid-19 mới, nhưng con số này đang tăng gấp đôi sau mỗi tuần.
Một số chuyên gia cũng lo ngại, dù dữ liệu dịch bệnh được các nước chia sẻ với nhau nhưng các quốc gia có hệ thống giám sát y tế yếu sẽ không thể phát hiện biến thể này.
Châu Âu
Nga đang trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới theo ngày cao tại Lục địa già, với 13.721 ca mắc mới và 371 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện Nga ghi nhận tổng cộng 5.222.408 ca mắc Covid-19 và 126.801 ca tử vong. Số ca nhiễm mới đang có chiều hướng tăng trở lại trong những ngày qua do tỷ lệ tiêm vắc xin tại nước này thấp so với nhiều nước khác. Cho đến nay, Nga mới tiêm được 32.734.213 liều vắc xin cho người dân.
Trong khi đó, do số ca mắc mới tăng nhanh xuất phát từ sự lây lan của biến thể Delta, Anh hoãn kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thêm 4 tuần. Theo thống kê, hơn 90% số ca mắc mới Covid-19 tại Anh là nhiễm biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng 50% trong tuần trước. Cơ quan Y tế vùng England cho biết biến thể mới tại Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể mới có nguồn gốc tại nước này.
Đức có kế hoạch nới lỏng quy định đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở nước này giảm mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa khẳng định nước này không có ý định tái áp đặt các giới hạn phòng dịch bất chấp việc số ca nhiễm có chiều hướng gia tăng trong suốt tháng vừa qua.
Châu Á
Ấn Độ thông báo sẽ mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra vào tuần này, sau hai tháng khu di tích này phải đóng cửa do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, chính quyền nhiều địa phương của quốc gia đông dân thứ hai thế giới, trong đó có thủ đô New Delhi, bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép nhà hàng được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động phục vụ là 50% số ghế; các cửa hàng hoạt động trở lại thay vì mở cửa luân phiên như hiện nay. Các văn phòng chính phủ cũng sẽ hoạt động với toàn bộ viên chức cao cấp và 50% viên chức cấp thấp. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong gần 3 tháng - 70.421 ca. Tuy nhiên, số ca tử vong ở mức cao - với 3.921 ca trong 24 giờ qua.
Tại Đông Nam Á, ít nhất 20 bệnh viện tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã tạm ngừng chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 trong tuần này do tình trạng thiếu hụt vắc xin. Ứng dụng đặt lịch vắc xin của thành phố này cũng gửi tin nhắn cáo lỗi các lịch hẹn tiêm vắc xin sau ngày 15-6 sẽ bị hoãn.
Indonesia dự báo về một làn sóng Covid-19 mới với đỉnh rơi vào đầu tháng 7, trong đó chủ yếu là các ca nhiễm biến thể Delta. Theo giới chức Jakarta, làn sóng dịch mới có thể khiến các bệnh viện tại thủ đô phải hoạt động gần tối đa công suất để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Trong vài tuần gần đây, sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr, số ca nhiễm mới tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã tăng trở lại. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta lây lan nhanh và chiếm đa số trong các ca nhiễm tại các khu vực như Jakarta và nhiều khu vực trên đảo Java. Theo Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, hơn 75% công suất các bệnh viện trong thành phố 10 triệu dân này đã được vận hành. Với số ca mắc mới tăng 50% trong tuần qua và nếu tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, giới chức thủ đô có thể phải xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch. Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận 8.189 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.919.547, trong đó có 53.116 ca tử vong.
Malaysia đã phát hiện 1.328 ổ dịch ở nơi làm việc, làm xét nghiệm đối với 624.246 người và phát hiện 147.040 người mắc Covid-19, chiếm 23,6%. Giới chức y tế nước này cảnh báo dù số ca mắc trong hai tuần qua có xu hướng giảm, nhưng các ổ dịch ở nơi làm việc vẫn là nơi phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 nhất.
Tại Trung Đông, hai bệnh viện điều trị Covid-19 hàng đầu của Afghanistan đã phải tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân do không còn đủ giường bệnh, đồng thời thiếu hụt ô xy và vật tư y tế.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, hãng dược Novavax thông báo vắc xin NVX-CoV2373 đạt hiệu quả tổng thể khoảng 90,4% trong phòng, chống Covid-19, bao gồm cả các biến thể mới của SARS-CoV-2. Vắc xin này cũng đạt hiệu quả 100% trong việc chống lại triệu chứng bệnh vừa và nặng. Thêm vào đó, NVX-CoV2373 có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, giúp cho việc phân phối trở nên dễ dàng hơn. Do đó, vắc xin này được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn cung vắc xin ở các nước đang phát triển.
Novavax cho biết hãng có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin này vào quý III năm nay. Hãng có thể sản xuất tới 100 triệu liều/tháng vào cuối quý này và đến cuối năm, tăng lên mức 150 triệu liều/tháng.
Bên cạnh thực tế số ca tử vong vì Covid-19 đang tiến sát mốc 600.000 người, các chuyên gia y tế còn cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt làn sóng lây nhiễm lớn liên quan tới biến thể Delta của SARS-CoV-2 - đặc biệt đáng lo ngại ở các bang phía Nam.
Châu Phi
Một quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các nước châu Phi sẽ được ưu tiên trong việc tiếp nhận vắc xin được các nước G7 quyên góp – ước tính lên tới 870 triệu liều – vì đây là khu vực dễ bị tổn thương và có hệ thống y tế kém phát triển nhất hiện nay.
Nỗ lực chủng ngừa của Nam Phi gặp thêm trở ngại khi nước này buộc phải vứt bỏ 2 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson do lo ngại nhiễm tạp chất trong quá trình sản xuất tại Mỹ. Số vắc xin này ban đầu dự kiến được tiêm phòng cho các nhân viên y tế và người trên 60 tuổi của Nam Phi.
Gửi phản hồi
In bài viết