Nhật Bản: Nỗ lực hướng tới phát triển bền vững

Môi trường và bảo vệ môi trường sống đang là chủ đề được các quốc gia trên thế giới ưu tiên nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tại châu Á, Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Người dân Nhật Bản rất tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tương tự như nhiều quốc gia phát triển, Nhật Bản từng có thời kỳ lơ là các vấn đề về môi trường, chỉ tập trung vào sản xuất công nghiệp nặng. Từ năm 1912 đến 1973, đất nước Mặt trời mọc đã phải chứng kiến nhiều vụ ô nhiễm môi trường làm ám ảnh người dân và gây chấn động thế giới. Đó là thảm họa ô nhiễm thủy ngân tại vịnh Minamata làm người dân bị nhiễm độc thần kinh; vụ ô nhiễm ở mỏ đồng Ashio (tỉnh Tochigi) khiến đất đai lưu vực sông Watarase bị nhiễm kim loại nặng; vụ “ItaiItai” - căn bệnh mà người dân mắc phải khi ăn thủy sản vùng hạ lưu sông Jinzú, vốn bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp có chứa kim loại nặng từ Công ty Mitsui Mining và Smelting thải ra.

Sau hàng loạt biến cố về môi trường, chính phủ Nhật Bản đã nhận ra tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với chiến lược phát triển đất nước. Nhất là khi công tác khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường rất tốn kém về tiền bạc, công sức và cả thời gian.

Năm 1993, Nhật Bản ban hành Luật Môi trường với hệ thống điều khoản quy định cụ thể về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường. Trong đó, đáng chú ý là những quy định về hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất; các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm...

Quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí, chất phát thải; tổng lượng ô nhiễm ở các thành phố. Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải chứa trong nước thải.

Chính phủ Nhật Bản còn ban hành các đạo luật thuế, phí tùy vào ngành nghề, lĩnh vực và được áp dụng rất linh hoạt. Thông qua thuế phí, chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp, người dân tái chế rác thải, tiết kiệm năng lượng... và hướng tới phát triển ngành công nghiệp tái chế, thúc đẩy các phát minh bảo vệ môi trường. Thời gian đầu, các doanh nghiệp hầu như chỉ quan tâm đến việc sản xuất, kinh doanh mà chưa để ý đến môi trường.

Tuy nhiên, với sự khuyến khích của chính phủ thông qua chính sách thuế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận thức được vai trò quan trọng của môi trường, đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp xử lý rác thải thông minh và tái tạo tối đa nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Tổng số tiền đầu tư của khu vực tư nhân vào các cơ sở kiểm soát ô nhiễm tăng lên đáng kể.

Bên cạnh hệ thống chính sách kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt, chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như người dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Thông điệp bảo vệ môi trường được đặt trên nhiều dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.

Giáo dục bảo vệ môi trường cũng đã được đưa vào trường học Nhật Bản từ nhiều năm qua. Trong sách giáo khoa cấp tiểu học, ngay từ lớp 1 đã có những bài học về các loại rác, phân loại rác, cách thức gom rác và vứt rác. Một năm sẽ có nhiều đợt tổng vệ sinh, đó là vào dịp nghỉ Tết, nghỉ hè hay nghỉ xuân. Mỗi lần đi dã ngoại, học sinh được hướng dẫn mang theo túi để đựng rác của mình.

Gần đây nhất, cuối tháng 5-2019, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định “Chiến lược tuần hoàn tài nguyên nhựa” để giảm rác thải nhựa đang làm ô nhiễm môi trường biển, và thúc đẩy tái chế rác. Chiến lược này hướng đến việc bắt buộc các cửa hàng bán lẻ không được phục vụ miễn phí mà phải tính phí cho túi nhựa. Nếu người tiêu dùng đi mua hàng mang theo túi sẽ được giảm 2 yên cho một lần mua hàng, ngược lại sẽ bị tính phí túi là 2 yên. Người dân Nhật Bản rất ủng hộ chính sách này của chính phủ. Trong vòng 2 năm qua, khoảng 6 tấn vỏ chai nhựa được thu nhặt từ các khu vực bờ biển của Nhật Bản được chế biến tại các nhà máy. Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản đẩy mạnh cắt giảm rác thải nhựa bằng cách chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy để làm ống hút và hộp cơm.

Chính sách quản lý nghiêm ngặt, kịp thời cùng với nỗ lực của người dân đã tạo nên một đất nước Nhật Bản sạch đẹp, đáng sống như ngày hôm nay. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu giúp nhiều quốc gia đang phát triển có thể tránh được mặt trái của quá trình hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục